Sỏi tiết niệu gây tổn thương thận

(khoahocdoisong.vn) - Tùy vào giai đoạn sỏi mà có ảnh hưởng đến thận nhất định, từ chỗ không triệu chứng đến giai đoạn nguy hiểm. Hơn nữa, các phương thức tác động của sỏi từ chèn ép tắc nghẽn, cắt cứa đến nhiễm khuẩn hoặc cả ba phương thức có thể gây tử vong.

3 giai đoạn 

Giai đoạn sớm: Sỏi phát sinh, di chuyển và chưa gây ứ tắc đường niệu. Khi sỏi mới hình thành chưa gây triệu chứng và các biến chứng, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 năm. Nếu phát hiện và điều trị nội khoa có hiệu quản đến 80%.

Giai đoạn cần can thiệp: Khi sỏi đã tắc nghẽn không di chuyển, đã có triệu chứng, có một số biến chứng như giãn đài bể thận, chưa gây biến chứng nặng (có thể hồi phục chức năng thận sau lấy sỏi). Các triệu chứng rõ ràng như đau và đái máu do sỏi có tắc nghẽn gây ứ niệu, các biến chứng rất nhẹ, nếu phát hiện ta áp dụng các phương pháp ít sang chấn can thiệp rất có hiệu quả có lợi cho người bệnh.

Giai đoạn muộn: Sỏi đã gây biến chứng nặng (nhiễm khuẩn, ứ niệu, ứ mủ thận, mất chức năng thận, viêm thận bể thận xơ teo).

Mỗi giai đoạn đều có những đặc thù riêng, cần có những thái độ xử trí thích ứng, kịp thời mới mang lại kết quả điều trị tốt nhất với 2 mục đích: Loại trừ sỏi ra khỏi đường tiết niệu và các biến chứng của nó; tái lập sự thông thoáng của đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi tái phát.

Phá hủy chức năng thận

Sỏi gây tổn thương trên hệ tiết niệu trên theo 3 phương thức cơ bản: Chèn ép tắc nghẽn; Cọ sát cắt cứa và nhiễm khuẩn.

Tắc nghẽn là tác động phổ biến nhất, nguy hiểm nhất tới hình thể và chức năng của thận. Khi sỏi ở những vị trí dễ gây ứ tắc (bể thận, niệu quản), tuỳ theo kích thước và hình thể sỏi có thể gây nên ứ tắc hoàn toàn hay không hoàn toàn, cấp tính hay mãn tính và gây tăng áp lực phía trên sỏi. Nếu tắc đột ngột hoàn toàn, áp lực xoang thận tăng cao, triệt tiêu áp lực lọc và thận sẽ ngừng bài tiết. Nếu hiện tượng này xảy ra ở 2 bên hệ tiết niệu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng vô niệu do sỏi. Nếu tắc nghẽn xảy ra không hoàn toàn và mãn tính, áp lực xoang thận tăng lên từ từ làm giãn dần xoang thận, nhu mô thận mỏng dần, dung tích đài bể thận tăng lên đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn mililit. Lúc này nhu mô thận bị teo đét, xơ hoá và chức năng thận sẽ bị mất. Niệu quản trên sỏi cũng bị giãn to, có khi đường kính lên đến 20-30mm, gây mất nhu động và xơ hoá niệu quản. Nếu sỏi ở đài thận, gây nghẽn cục bộ tại thận, sẽ dẫn đến ứ niệu, giãn từng nhóm đài gây mất chức năng từng phần của thận.

Sỏi tiết niệu, nhất là sỏi cứng, gai góc (sỏi oxalat, sỏi urat) có thể cọ sát, cứa rạch vào tổ chức thận niệu quản gây chảy máu kéo dài trong hệ tiết niệu. Thương tổn tổ chức một mặt tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu phát triển, mặt khác sẽ khởi động cho quá trình phát triển xơ hoá ở nhu mô thận và ở thành ống dẫn niệu. Kết quả là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng thận cũng như làm hẹp dần đường dẫn niệu, càng làm nặng thêm tình trạng bế tắc.

Sự tắc nghẽn và các tổn thương tổ chức trên hệ tiết niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn niệu. Từ đó gây phù nề, chợt loét sâu sắc hơn, đẩy nhanh quá trình xơ hoá, hoại tử tổ chức thận và thành ống dẫn niệu. Kết cục cũng dẫn đến tổn thương chức năng và hình thể thận và niệu quản.

Những phương thức tác động kể trên của sỏi, thường đan xen, phối hợp với nhau theo các mức độ tuỳ thuộc vào kích thước, hình dạng, số lượng, vị trí của sỏi để dẫn đến hậu quả cuối cùng của bệnh sỏi là phá huỷ chức năng thận, biến dạng hệ thống tiết niệu. Đó là những tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.

PGS.TS Trần Văn Hinh (Chủ nhiệm khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Quân y 103)

Theo Đời sống
back to top