Sôi động “chợ” đổi tiền online
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục "siết" việc đổi tiền mới, các giao dịch đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn sôi động vào những ngày cuối năm, nhất là trên mạng xã hội với những nhóm kín lên tới hàng chục ngàn thành viên, phí đổi tiền trên thị trường tự do cũng được đẩy lên rất cao...
Theo đó, chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “đổi tiền lẻ”, thì chưa đầy 1 giây, có tới hàng chục triệu kết quả hiện lên cho người dùng thỏa sức lựa chọn. Những website với tên gọi na ná nhau như: Dichvudoitien.com, doitienlegiare.net, doitienle.com.vn, doitienmoi.vn, tienquocte.net... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán. Trên mạng xã hội Facebook, hoạt động này lại càng sôi động hơn bao giờ hết với đủ mọi phương thức. Chỉ cần bấm số điện thoại, khách hàng sẽ được “phục vụ tận răng” với bất kỳ nhu cầu, mệnh giá nào, muốn đổi bao nhiêu cũng có.
“Nếu bạn đang băn khoăn muốn đổi tiền và chưa biết đổi tiền mới ở đâu thì tại đây, việc đổi tiền mới cho quý khách hàng diễn ra rất đơn giản, bạn chỉ việc nhấc máy gọi vào hotline của chúng tôi đặt hàng và cung cấp địa chỉ trong vòng 24h sẽ có nhân viên giao đúng số tiền mới bạn đã đặt và thanh toán ngay khi bạn nhận được hàng. Đặc biệt, chúng tôi không tính phí vận chuyển trong nội thành TPHCM và Hà Nội” – lời quảng cáo được ghi công khai trên một trang website nhận đổi tiền.
Bảng giá đổi tiền được đưa công khai trên một trang web. Ảnh: Chụp màn hình. |
Khảo sát trên một số website, mạng xã hội đổi tiền mới ở Hà Nội, hoạt động đổi tiền lẻ thường sôi động vào khoảng thời gian cách Tết Nguyên đán từ 2 - 3 tuần. Hiện nay, một số điểm vẫn nhận đổi tiền với mức phí dịch vụ từ 5 - 30% tùy mệnh giá. Trong đó, nếu đổi tiền lẻ, tiền mới trực tiếp, người dân thường phải chịu phí từ 18 - 30%. Trong khi đó, nếu đổi tiền trực tuyến (online) phí chỉ mất khoảng 10 - 15%. Theo chủ một trang chuyên đổi tiền trên Facebook, các mệnh giá thấp như 1.000đ, 2.000đ thường xuyên hết hàng. Trong khi đó, nhu cầu phổ biến đang tập trung ở mệnh giá 10.000đ, 20.000đ và 50.000đ vì phù hợp cho việc lì xì và đi lễ chùa. Tùy vào mệnh giá, tiền càng nhỏ, phí đổi sẽ càng cao.
Cụ thể, đối với tờ tiền mệnh giá 1.000đ và 2.000đ có phí đổi tiền từ 10 - 15%; mệnh giá 5.000đ, 10.000đ, 20.000đ, 50.000đ có mức phí từ 7 - 8%; tiền mệnh giá 100.000đ, 200.000đ có phí đổi từ 3 - 4%... Ngoài ra, đi kèm với dịch vụ này còn phát triển dịch vụ đổi tiền (mua tiền) độc, lạ, cổ và tiền nước ngoài.
Mặt khác, theo ghi nhận, do năm nay hạn chế in tiền lẻ mới nên còn xuất hiện cả tiền dùng “lướt”, được quảng cáo tương đương tiền mới in. Hiểu đơn giản đây là tiền đã từng được lưu thông trên thị trường nhưng vẫn đảm bảo độ mới từ 80 – 95%. Mức phí đổi “tiền lướt” rẻ hơn so với tiền mới, chỉ từ khoảng 2 – 5% tùy vào mỗi mệnh giá.
Vi phạm pháp luật
Được biết, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền nhỏ lẻ, mệnh giá từ 5.000đ trở xuống trong dịp Tết Nguyên đán. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dịp Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Việc hạn chế in tiền lẻ mới trong những năm gần đây đã giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Từ năm 2021, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cũng tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.
Hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật, có thể bị phạt tiền lên tới 80 triệu đồng. |
Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Tại điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ, hành vi đổi tiền trái phép có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt trên áp dụng với các cá nhân vi phạm, còn với tổ chức vi phạm sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Ngoài ra, việc in hình tờ tiền lên lì xì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật.
Đối với các giao dịch đổi tiền mới thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, cả người đổi và người cho đổi đều không biết đối tác là ai, không rõ địa chỉ hoặc địa chỉ, thông tin ảo nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đồng thời, nếu rủi ro xảy ra, việc kiện cáo hay các hình thức khác để lấy lại tài sản là rất khó thực hiện. Do vậy, người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.