Một người mắc sởi có thể lây cho khoảng 18 - 20 người
Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền cao, ước tính 90-100% người chưa có miễn dịch với sởi khi tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể bị lây. Một người mắc sởi có thể lây cho khoảng 18 - 20 người chưa có miễn dịch trong cộng đồng.
Chúng ta thường nghĩ chỉ trẻ em mới mắc bệnh sởi mà không biết rằng người lớn cũng có thể mắc sởi, thậm chí có thể gặp những biến chứng nguy hiểm.
Người lớn hoàn toàn có thể mắc bệnh sởi, bất cứ ai chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ đều có nguy cơ lây nhiễm virus sởi và mắc bệnh.
Sởi dễ bị nhầm với các bệnh khác, nhất là ở người lớn. Sởi rất dễ nhầm với sốt phát ban vì mức độ tương đồng cao giữa các triệu chứng khởi phát. Sốt phát ban được xem là lành tính, bệnh nhân thường tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần, nhưng sởi ở người lớn có thể diễn biến nặng và nguy cơ cao dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng khởi phát của sởi và sốt phát ban khá giống nhau, bao gồm: sốt nhẹ hoặc cao, mệt mỏi, phát ban, trẻ có thể biếng ăn, bỏ bú, nôn ói, tiêu chảy.
![]() |
Ngoài ra, cần phân biệt sởi với một số bệnh có triệu chứng phát ban như:
Rubella: Phát ban không theo trình tự, ít khi có các biểu hiện viêm long đường hô hấp và thường có hạch cổ.
Bệnh Kawasaki: Sốt cao khó hạ, môi lưỡi đỏ, hạch cổ và phát ban không theo thứ tự.
Phát ban dị ứng: Phát ban kèm ngứa và tăng bạch cầu ái toan, có tiền sử với tác nhân gây dị ứng.
Nhiễm enterovirus: Phát ban không theo trình tự, ban thường dạng nốt phỏng, kèm rối loạn tiêu hóa.
Người lớn mắc sởi dễ nặng và trở thành nguồn lây lan dịch trong cộng đồng
Thời gian ủ bệnh sởi ở người lớn có xu hướng kéo dài hơn so với trẻ em, thường chỉ khi cơ thể phát ban người bệnh mới biết bản thân đã mắc sởi. Các triệu chứng bệnh sởi ở người lớn cũng thường mờ nhạt và khó phát hiện hơn so với trẻ.
Cùng với đó, do quan niệm “chỉ trẻ em mới mắc sởi”, khiến người lớn mắc bệnh sởi thường chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cách ly, vẫn thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, nên sẽ trở thành nguồn lây bệnh âm thầm, dễ lây lan cho trẻ nhỏ, người già, người thân trong gia đình, đồng nghiệp tại nơi làm việc và nhiều người khác ngoài xã hội, dẫn đến gia tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi trong cộng đồng.
Bệnh sởi ở người lớn thường có xu hướng diễn tiến nặng hơn so với trẻ em. Người trưởng thành mắc sởi có thể gặp biến chứng viêm màng não hoặc viêm tủy gây liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn; làm gia tăng nguy cơ biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa. Phụ nữ mang thai mắc sởi tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân,…
![]() |
Sởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch
Trí nhớ miễn dịch của một người có vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi cơ thể tiếp xúc với một mầm bệnh hoặc tiêm vắc xin, hệ miễn dịch không chỉ tạo ra phản ứng tức thời để tiêu diệt tác nhân gây bệnh mà còn ghi nhớ tác nhân này để cơ thể có thể phản ứng nhanh hơn trong những lần tiếp xúc sau.
Khả năng xóa trí nhớ miễn dịch của virus sởi được báo cáo lần đầu vào năm 1908 bởi bác sĩ Nhi khoa Clemens von Pirquet. Ông đã xác định được mối liên hệ giữa việc nhiễm sởi và sự ức chế hệ thống miễn dịch.
Những người trước đây dương tính với xét nghiệm da tuberculin – chứng tỏ từng nhiễm bệnh lao lại không còn phản ứng dương tính với xét nghiệm này sau khi mắc bệnh sởi. Bệnh sởi cũng có liên quan đến tình trạng nhiễm lao nặng hơn ở những đối tượng kể trên. Đến năm 2012, khả năng xóa trí nhớ miễn dịch của virus sởi chính thức được đặt tên.
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mắc sởi có thể làm suy yếu hoặc xóa sạch phần lớn trí nhớ miễn dịch này. Virus sởi tấn công các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T có chức năng ghi nhớ các phản ứng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các mầm bệnh tương tự trong tương lai.
Khả năng xóa trí nhớ miễn dịch (Immune Amnesia) của virus sởi có thể khiến người bệnh suy giảm từ 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác.
Do vậy, cơ thể mất đi khả năng nhận diện và phản ứng nhanh chóng với các mầm bệnh đã từng gặp, bao gồm cả những bệnh mà người bệnh đã mắc hoặc đã tiêm vắc xin trước đó. Nói cách khác, hệ miễn dịch “quên” cách bảo vệ cơ thể, dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác tấn công, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí mắc nhiều bệnh, bội nhiễm nguy hiểm, kéo theo nhiều mối đe dọa bệnh tật khó lường.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)