Người nhà cho biết, tối trước khi nhập viện, bệnh nhân quẹt phải đinh, xước cẳng chân trái, vết thương nhỏ nên bệnh nhân không đi khám và tiêm ngừa uốn ván. Tuy nhiên, sáng hôm sau, sưng tấy lan rộng tiến triển nhanh và mệt nhiều nên gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, nhiễm độc từ vết thương cẳng chân trái gây tổn thương thận cấp. Ông dùng corticoid trong thời gian dài, thể trạng Cushing (rối loạn nội tiết, chuyển hóa) nên tình trạng nhiễm trùng bùng phát mạnh gây viêm mô tế bào, lan rộng hết cẳng chân, nhiễm trùng máu.
Không nên chủ quan
Thông tin với báo chí, BSCKII. Nguyễn Tấn Phát, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết: Thời gian qua, khoa đã tiếp nhận điều trị thành công cho nhiều trường hợp sốc nhiễm khuẩn nguy kịch từ những vết thương như trầy xước da, bị vật dụng sắc nhọn cắt vào tay vào chân do sinh hoạt và lao động hàng ngày, đa số các vết thương không được xử trí ban đầu tốt hoặc do người bệnh chủ quan bỏ qua vì nghĩ không nghiêm trọng nên dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.
Như trường hợp bệnh nhân trên, nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn là do vết thương không được xử trí ban đầu tốt, bệnh nhân có dùng corticoid trong thời gian dài, thể trạng Cushing nên tình trạng nhiễm trùng có cơ hội bùng phát mạnh, gây viêm mô tế bào, lan rộng hết cẳng chân, nhiễm trùng máu. Diễn tiến rất nhanh và rầm rộ, nếu chậm trễ bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo: Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ các vết thương, nếu bị vết thương, bà con nên đến cơ sở y tế để được đánh giá và xử lý vết thương đúng cách cũng như tiêm ngừa uốn ván kịp thời. Đặc biệt, cần đến ngay cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng thông qua các biểu hiện như: Không lành vết thương, sưng đỏ và viêm nhiễm diễn biến nghiêm trọng có kèm theo mủ hoặc dịch bất thường...
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân, triệu chứng
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sốc nhiễm khuẩn do nhiễm trùng nặng một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể; Nhiễm trùng nặng đường tiêu hóa; Sỏi đường mật, sỏi túi mật gây viêm đường dẫn mật, túi mật rất dễ gây các biến chứng, trong đó nhiễm trùng phúc mạc là hết sức nguy hiểm dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
Với nữ giới, các thủ thuật nạo phá thai, đặc biệt là nạo phá thai không đảm bảo vô trùng tuyệt đối (phá thai chui), đẻ khó cũng là những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết gây sốc nhiễm trùng.
Nhiễm trùng bệnh viện bởi các thủ thuật như: Nong niệu đạo, thông tiểu, nong cổ tử cung, nội soi phế quản, màng bụng, đặt catheter tĩnh mạch.
Nhiễm trùng ngoài da (mụn nhọt, chốc lở hoặc nhiễm trùng bỏng) hoặc các ổ áp-xe (áp-xe cơ hoành, áp-xe cơ, áp-xe phổi) là những loại nhiễm trùng nặng rất dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Ngoài ra, sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn đường ruột hoặc trực khuẩn mủ xanh hoặc tụ cầu vàng.
Cũng theo chuyên gia y tế, tùy từng bệnh mà bệnh nhân có những biểu hiện nhiễm trùng nặng và sốc nhiễm khuẩn khác nhau.
Thường xuất hiện sau một cơn sốt cao, rét run hoặc hạ thân nhiệt đột ngột (có trường hợp không sốt hoặc thân nhiệt giảm dưới 37oC)
Nhịp tim nhanh, thở nhanh, kích thích, giãy dụa hoặc mất định hướng, mạch nhanh (trên 90 lần/phút), nhỏ, khó bắt hoặc bị rối loạn vận mạch (mạch lúc nhanh, lúc chậm).
Tiểu ít (có thể do sốt hoặc có thể ảnh hưởng mạch máu thận làm giảm áp lực lọc ở cầu thận) hoặc vô niệu (suy thận cấp).
Các đầu chi, da lạnh do co mạch ngoại biên, móng tay, mũi, tai tím tái, trên da xuất hiện các mảng tím và chi (gọi là sốc lạnh).
Nếu nặng có thể hoại tử trên da, ấn vào da màu sắc da không phục hồi ngay (do truỵ mạch ngoại biên) trước khi có mảng xám.
Một số trường hợp có đau cơ dữ dội, lan tỏa, chuột rút, do thiếu oxy tổ chức (có thể nhầm với các bệnh ngoại khoa, uốn ván...).