<div> <p>Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, từ năm 2010 đến 2019, số bệnh nhân giang mai, lậu và Chalamydia tăng đáng kể tại cơ sở y tế này. Trong năm 2010, số bệnh nhân mắc giang mai được ghi nhận tại đơn vị này là 782 người. Đến năm 2019, con số này tăng lên 7.044 trường hợp.</p> <p>Bệnh nhân Chlamydia được ghi nhận không nhiều. Dù vậy, số ca nhiễm khuẩn Chlamydia có sự gia tăng đáng kể trong 9 năm qua, từ 52 lên 248 người. Bệnh nhân nhiễm khuẩn lậu cũng tăng thêm 1.490 ca trong thời gian này.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Benh lay truyen qua duong tinh duc tang anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/19/znews-photo-zadn-vn_thongke.png" title="Bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Sự gia tăng bệnh nhân mắc giang mai, lậu và Chlamydia tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh: <em>BSCC. </em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo bác sĩ Hào, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục hiếm gặp được ghi nhận tại Việt Nam. Thống kê từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2020, 21 người mắc viêm niệu đạo do não mô cầu được ghi nhận. Đây là con số đáng báo động do thể bệnh này rất hiếm gặp, thế giới chỉ ghi nhận vài ca.</p> <p>BSCKII Bùi Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, cho biết bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đến khám vì nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục tăng hàng năm.</p> <p>Năm 2019, hơn 70.000 lượt người đến khám vì bệnh lây đường tình dục. Trong 2 tháng gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM ghi nhận 500 bệnh nhân giang mai đến khám.</p> <p>Đặc biệt, bác sĩ Hà cho biết một số thể bệnh giang mai khó chữa, hiếm gặp cũng được ghi nhận tại khoa Lâm sàng 3, trong đó có giang mai ác tính, giang mai ngoài sinh dục, săng giang mai...</p> <p>Theo TS Nguyễn Trọng Hào, hiện nay, nhiều nguyên nhân khiến số lượng người mắc các bệnh lây qua đường tình dục tăng nhanh.</p> <p>Thứ nhất, về yếu tố kỹ thuật, ngày nay, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn so với giai đoạn trước đây.</p> <p>Thứ 2, tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có xu hướng giảm. Nam giới quan hệ tình dục lần đầu thường không có thói quen dùng bao cao su. Đồng thời, các hành vi tình dục không an toàn cũng có xu hướng tăng.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="Benh lay truyen qua duong tinh duc tang anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/10/19/znews-photo-zadn-vn_picture1_1.jpg" title="Bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Bệnh nhân mắc giang mai ác tính điều trị tại Bệnh viện Da liễu. Ảnh: <em>BSCC</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>“Việc sử dụng ngày càng nhiều thuốc gây nghiện và thuốc chữa rối loạn cương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân lây truyền qua đường tình dục gia tăng”, bác sĩ Hào cho biết.</p> <p>Thứ 3, việc giới trẻ có lối sống thoáng hơn trong quan hệ tình dục, dễ dàng tìm kiếm bạn tình, cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng bệnh nhân.</p> <p>Bên cạnh đó, một số quan điểm sai lầm về sự lây truyền các bệnh qua đường tình dục cũng khiến nhiều người dễ lây nhiễm. Ví dụ: oral sex là an toàn. Tuy nhiên, quan hệ tình dục đường miệng có nguy cơ rất cao lây truyền sùi mào gà, lậu, giang mai…</p> <p>Đặc biệt, nhóm quan hệ tình dục đồng giới, nhiều bạn tình hoặc "yêu" qua đường hậu môn có khả năng lây nhiễm bệnh rất cao.</p> <p>TS.BS Nguyễn Trọng Hào cho biết hiện việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều bệnh chưa thể điều trị triệt để như sùi mào gà, HIV… Do đó, sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục là điều cấp thiết để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh này.</p> </div> <p> </p>