Sở hữu Su-35, Iran sẵn sàng lật ngược thế cờ ở Trung Đông
Dương Ngân (Theo Bulgarian Military)/TT&CS
Iran đang chuẩn bị chào đón sự gia nhập của các máy bay chiến đấu Su-35 vào lực lượng không quân nước này, theo thông báo từ Iran Observer trên mạng xã hội X.
Đây là một bước tiến quan trọng đối với Không quân Iran, vốn đang nỗ lực hiện đại hóa đội bay trong nhiều năm qua.
Su-35 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4++ do Nga phát triển. Với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, radar hiện đại, khả năng siêu cơ động và mang theo khối lượng lớn vũ khí, Su-35 sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực phòng thủ và tấn công của Iran. Máy bay này có khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện đại, tạo ra lợi thế chiến lược quan trọng cho Tehran trong bối cảnh khu vực đầy biến động.
Đầu năm 2024 đã xuất hiện tin đồn Iran nhận lô Su-35 đầu tiên từ Nga. Tuy nhiên, Chính phủ Iran phủ nhận thông tin này. Đến tháng 11/2024, tạp chí hàng không Đức Flugrevue báo cáo hai chiếc Su-35 đầu tiên đã được bàn giao cho Không quân Iran trong một buổi lễ kín tại Nhà máy Máy bay Komsomolsk-on-Amur ở Nga. Hai chiếc máy bay này được vận chuyển bằng máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-124-100 đến Iran.
Nếu thông tin này chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên Iran và Nga chính thức hợp tác quân sự trong lĩnh vực này. Động thái này có thể khiến Mỹ và Israel phản ứng mạnh, đồng thời đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm kiềm chế Iran hiện đại hóa quân đội.
Sự xuất hiện của Su-35 trong biên chế Iran được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông. Các nước láng giềng của Iran, cùng với các cường quốc phương Tây, lo ngại rằng Tehran sẽ sử dụng Su-35 để củng cố vị thế quân sự và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Bên cạnh đó, động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới tại Trung Đông, đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột ngày càng nghiêm trọng.
Su-35 là sản phẩm của Cục thiết kế Sukhoi, được xem là phiên bản nâng cấp toàn diện từ dòng Su-27 huyền thoại. Máy bay sử dụng vật liệu composite tiên tiến, giảm tiết diện radar, giúp tăng khả năng sống sót trong các kịch bản chiến đấu hiện đại.
Hệ thống radar Irbis-E của Su-35 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km và theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu. Kết hợp với hệ thống dò tìm hồng ngoại (IRST), Su-35 có thể tấn công mục tiêu tàng hình mà không bị phát hiện.
Su-35 được trang bị hai động cơ Saturn AL-41F1S với vòi phun điều hướng lực đẩy, mang lại khả năng siêu cơ động - một lợi thế lớn trong các tình huống không chiến. Khoang vũ khí của máy bay có thể mang tới 8 tấn vũ khí, từ tên lửa không đối không R-77, R-73 đến tên lửa đối đất Kh-31, Kh-59.
Hệ thống tác chiến điện tử Khibiny-M giúp Su-35 vô hiệu hóa radar đối phương và giảm nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa dẫn đường. Với buồng lái hiện đại tích hợp màn hình đa chức năng và hệ thống điều khiển HOTAS, Su-35 hỗ trợ phi công tối đa trong các tình huống chiến đấu căng thẳng.
Việc Iran sở hữu Su-35 không chỉ là bước tiến lớn về năng lực quân sự mà còn là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Với những đặc tính ưu việt, Su-35 được kỳ vọng sẽ trở thành "quân át chủ bài" trong chiến lược phòng thủ và tấn công của Iran. Tuy nhiên, động thái này cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông, mở ra giai đoạn bất ổn mới cho khu vực vốn đã nhạy cảm này. (Nguồn ảnh: Telegram, Dzen, Wikipedia, Bulgarian Military).