Tòa án Nhân dân Quận 12, TPHCM lấy ý kiến chuyên môn từ Sở GD&ĐT TPHCM về sự việc thầy giáo cho học trò tái hiện "cảnh nóng" qua hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Một trong những cảnh nhạy cảm được "sân khấu hóa" gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clip. |
Trong văn bản trả lời, Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, tác phẩm "Quan âm Thị Kính" thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7, còn "Bỉ vỏ" không nằm trong chương trình giảng dạy ở THPT.
Căn cứ vào thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học thì các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học như trường hợp này, theo Sở có thể thuộc hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Hoạt động ngoại khóa môn Ngữ Văn nói riêng và các môn học nói chung phải được nhà trường, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể, khoa học, phù hợp tình hình đơn vị và đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.
Đối với bộ môn Ngữ Văn hình thức, nội dung các hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, phong phú. Và việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học là một trong nhiều hình thức của hoạt động ngoại khóa.
Việc quản lý các hoạt động chuyên môn nói chung, hoạt động ngoại khóa nói riêng căn cứ trên kế hoạch được tổ bộ môn xây dựng và Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt.
Trong trường hợp này, nếu xét ở góc độ hoạt động ngoại khóa, theo Sở phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này mà tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và hiệu trưởng nhà trường duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời "có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không".
Cuối năm 2018, trong hoạt động dạy học môn Văn, thầy Phạm Quốc Đạt cho học sinh lớp 11 tái hiện một số trích đoạn trong các tác phẩm văn học, trong đó, có các cảnh "nóng" giữa các nhân vật.
Thầy Phạm Quốc Đạt giải thích, học sinh đóng những cảnh nóng này bằng cách phóng chiếu hình bóng sau một tấm màn vải che lại. Các em ngồi trên ghế cách nhau 30cm, không đụng chạm trực tiếp vào cơ thể, chỉ diễn đạt bằng các động tác tay chân lên màn hình chiếu bóng. Phía sau sân khấu có thầy Đạt và nhiều học sinh khác trong nhóm theo dõi.
Ngày 21/1/2019 thầy Đạt đã nhận quyết định kỷ luật với hình thức "cảnh cáo" từ phía nhà trường, đồng thời bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, điều chuyển từ công tác chủ nhiệm lớp sang làm công tác phụ trách thư viện. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.
Trong phiên xử ngày 13/7/2020, phiên tòa phải tạm ngưng để chờ bên thứ ba có chuyên môn xác minh việc sân khấu hóa tác phẩm văn học của ông Phạm Quốc Đạt có phù hợp với mục đích giảng dạy hay không? Bên thứ ba được đưa ra để lấy ý kiến là Sở GD&ĐT TPHCM.