Công ty TNHH An Minh Southern vẫn đẩy mạnh quảng cáo sai sự thật đối với sản phẩm Smarto trên facebook và google
Smarto tiếp tục quảng cáo sai sự thật
Sau khi báo Khoa học & Đời sống đăng tải bài viết “Smarto lừa đảo bệnh nhân dạ dày”, “đăng tin sai phạm, phải được công ty cho phép!?”, “Smarto gỡ bỏ nội dung sai phạm”. Đến ngày 17/10, trang web là smarto.vn đã hoạt động trở lại, nhưng phần lớn nội dung sai phạm mà báo chí phản ánh đã được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, báo Khoa học & Đời sống phát hiện, Công ty TNHH An Minh Southern tiếp tục đưa các thông tin quảng cáo sai sự thật đối với sản phẩm Smarto trên mạng facebook và google.
Cụ thể, trên trang facebook Smarto – Hết lo dạ dày, Công ty TNHH An Minh Southern tung hàng loạt video giới thiệu các nhà thuốc bán sản phẩm Smarto. Quảng cáo có gắn link Smarto.vn. Khi khách hàng click vào link này sẽ thấy hiện ra hình ảnh Smarto – Hết lo dạ dày, kèm lời giới thiệu: “Trị dứt điểm dạ dày – không tái phát”. Dưới dòng chữ này tiếp tục là thông tin nhấn mạnh: “Trị dứt điểm bệnh dạ dày sau 1 – 2 liệu trình”, “Công thức bào chế của PGS.TS Nguyễn Viết Thân”… Tiếp đến là ô để bệnh nhân nhập tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng.
Các lời dẫn, ghi chú video quảng cáo cũng được Công ty TNHH An Minh Southern khẳng định: Smarto là thuốc điều trị bệnh dạ dày hiệu quả. Trong phần giới thiệu của trang này cũng khẳng định: “Smarto là bài thuốc Đông y, chuyên trị các bệnh về dạ dày rất hiệu quả”…
Trên google, Công ty TNHH An Minh Southern cũng Seo và quảng cáo sản phẩm Smarto với cụm từ “thuốc Smarto” và nhấn mạnh, sản phẩm có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh dạ dày.
Hàng loạt quảng cáo Smarto có tác dụng điều trị bệnh
Như đã báo Khoa học & Đời sống đã nêu ở những bài trước, việc quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh là trái với quy định của pháp luật.
Dùng hình ảnh dược sĩ quảng cáo sản phẩm
Theo ghi nhận của báo Khoa học & Đời sống, trên page Smarto – hết lo dạ dày, Công ty TNHH An Minh Southern ngoài việc khẳng định TPCN Smarto là thuốc thì đơn vị này còn sử dụng hình ảnh dược sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế quảng cáo cho sản phẩm.
Trong khi đó, tại Mục c, d, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT về việc Xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ, hàng hoá thuộc quản lý của Bộ Y tế nêu rõ: “Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm. Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Trao đổi với báo Khoa học & Đời sống, đại diện Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khẳng định sẽ xử lý nghiêm đơn vị quảng cáo nhãn hàng Smarto như báo chí phản ánh.
Quách Dương