<div> <figure class="image align-center"><img alt="Síp tiết lộ sốc về chương trình hộ chiếu vàng cho nhà giàu nước ngoài - 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/04/17/icdn-dantri-com-vn_sip-1618621993068.jpg" title="Síp tiết lộ sốc về chương trình hộ chiếu vàng cho nhà giàu nước ngoài - 1" /> <figcaption> <p>Chương trình "hộ chiếu vàng" gây tranh cãi của Síp đã cấp quốc tịch bất hợp pháp cho hàng nghìn trường hợp (Ảnh minh họa: KNews).</p> </figcaption> </figure> <p><em>Reuters</em> đưa tin, chính phủ Cộng hòa Síp đã công bố một bản báo cáo mới nhất, trong đó kết luận rằng hơn một nửa số "hộ chiếu vàng" mà quốc đảo này từng cấp cho giới nhà giàu nước ngoài là bất hợp pháp.</p> <p>Từ năm 2013-2019, hơn 3.000 người nước ngoài đã đổ mỗi người ít nhất 2,4 triệu USD đầu tư vào hòn đảo để được nhận tấm hộ chiếu Síp - giấy tờ cho phép họ đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) mà không cần thị thực. Síp gia nhập EU vào năm 2004.</p> <p>Báo cáo sơ bộ cho thấy 51,81% số trường hợp đã nhận quốc tịch Síp một cách bất hợp pháp, ông Myron Nicolatos - người đứng đầu cuộc điều tra, thừa nhận với báo giới hôm 16/4.</p> <p>Ông Nicolatos cũng cho biết thêm, một số trường hợp được cấp hộ chiếu Síp đúng theo quy định pháp luật nhưng không đáp ứng các tiêu chí được áp dụng ở thời điểm nộp đơn xin nhập tịch. Quan chức này cũng khuyến nghị tước bỏ quốc tịch Síp của hàng chục trường hợp.</p> <p>Bản báo cáo đã được trình lên văn phòng tổng chưởng lý và chưa được công khai.</p> <p>Chương trình "hộ chiếu vàng" gây tranh cãi này bị đình chỉ năm ngoái sau bê bối tham nhũng chấn động. Trước đó, chương trình này vướng phải hàng loạt chỉ trích sau khi phóng sự của hãng tin <em>Al Jazeera</em> được công chiếu. Hãng tin này cũng đã công bố tài liệu về hơn hàng nghìn người "mua" hộ chiếu từ Síp từ năm 2017-2019.</p> <p>Ngoài ra, <em>Al Jazeera</em> cũng đăng tải đoạn video quay lén cảnh một quan chức nhà nước, một nhà lập pháp và một luật sư dường như đang cố gắng hỗ trợ một "nhà đầu tư Trung Quốc" có tiền án (nhân vật tưởng tượng do phóng viên cài vào) để có được tấm hộ chiếu Síp.</p> <p>Chủ tịch Quốc hội Síp vào thời điểm đó, Demetris Syllouris - người xuất hiện trong đoạn video kể trên, đã gợi ý về việc dùng tầm ảnh hưởng của ông để giúp "doanh nhân Trung Quốc". Sau khi sự việc bị phanh phui, ông Syllouris - một nhân vật quyền lực tại Síp - đã công khai xin lỗi và tuyên bố từ chức nhưng khẳng định ông không làm gì sai.</p> <p>EU sau đó cũng mở cuộc điều tra về chương trình gây tranh cãi của Síp.</p> <p><strong>Đức Hoàng</strong></p> <p>Theo <em>Reuters</em></p> </div> <p> </p>