Theo đề án, trạm sạc sẽ được thiết kế để 6 xe cùng sạc một lúc. Để sạc đầy 1 xe điện 12A, cần đến 8 tiếng sạc và tiêu thụ 4.608kWh. Như vậy, 6 xe cùng sạc cần lượng điện 27.648.000kWh.
Tổng công suất cho trạm sạc này cần khoảng 7kWh, tương ứng với 15 tấm pin năng lượng mặt trời.
Khi đưa vào sử dụng, mỗi học sinh được sạc nhiều lần, mỗi lần chỉ được sạc 2 giờ. Chủ xe có thể theo dõi tình trạng xe đã sạc đầy hay chưa trên app của điện thoại.
Sau 2 giờ sạc, rơle sẽ ngắt điện hoạt động và ngừng cung cấp điện cho xe. Điều này đảm bảo các bạn học sinh đều có thể sử dụng trạm sạc.
Về cấu tạo, trạm sạc được cấu tạo với 15 tấm pin năng lượng được lắp trên tấm lợp, phần đỡ các tấm pin và hệ khung là các vật liệu bền vững bao gồm thép hộp và thép ống tấm nhựa được lắp đặt hai bên hông khu vực sạc. Trạm sạc có khu ngồi chờ được thiết kế cây xanh, ghế gỗ.
Nhóm tính toán, để xây dựng một trạm sạc sẽ cần tổng chi phí hơn 180.000.000đ.
Về nguyên lý hoạt động của trạm sạc khá đơn giản. Tấm pin hấp thụ bức xạ mặt trời và chuyển thành dòng điện 1 chiều inverter, sau đó được chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều cùng pha, tần số và điện áp để hòa vào lưới.
Nếu đủ nắng, năng lượng điện từ Mặt trời sẽ trực tiếp sạc cho xe. Nếu thiếu nắng, hệ thống tự động lấy điện lưới bù vào lượng điện từ pin năng lượng mặt trời phát ra. Điện không sử dụng hết sẽ tự động hòa vào nguồn điện lưới.
Hệ thống trạm sạc này có thể tiết kiệm đến 13 triệu đồng/tháng so với sạc bằng điện lưới thông thường cho số xe điện tương ứng. Do hệ thống không sử dụng ắc quy nên không tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu cũng như chi phí thay ắc quy.
PGS.TS Lê Thị Hồng Na, Đại học Bách khoa TPHCM nhận xét, việc tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời vào công trình kiến trúc là sáng tạo của nhóm. Đây là giải pháp kiến trúc và kỹ thuật hợp lý, đảm bảo tính thẩm mỹ và hữu ích. Mô hình có quy mô vừa phải, kỹ thuật đơn giản và chi phí không cao nên có thể đưa vào thực tiễn áp dụng ngay.