Khi nào phải phẫu thuật tuyến giáp
Tuyến giáp sản xuất ra các hormon tuyến giáp T3 và T4 có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Hormon tuyến giáp tham gia vào hầu hết các quá trình chuyển hóa và quá trình tăng trưởng, phát triển của cơ thể. ThS.BS Mai Văn Sâm, Đại học Y Hà Nội cho biết, hormon tuyến giáp làm tăng quá trình trao đổi chất ở các loại mô, tế bào trong cơ thể, làm tăng tổng hợp protein, tăng vận chuyển ion qua màng tế bào, tác động đến các hệ thống enzym trong tế bào. Các hormon tuyến giáp tác động tới quá trình chuyển hóa của cả glucid, lipid và protid, ảnh hưởng tới trao đổi vitamin, tốc độ trao đổi chất, ảnh hưởng tới một loạt các hệ thống cơ quan: Tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương...; Ảnh hưởng tới chức năng sinh dục, chức năng cơ…
Các trường hợp phải phẫu thuật tuyến giáp bao gồm bướu giáp đơn thuần đơn nhân hoặc đa nhân sau điều trị nội khoa không hiệu quả; bướu có biến chứng gây chèn ép gây khó thở; bướu phát triển nhanh, xuất huyết trong lòng bướu; bướu thể nhân nhu mô vì có thể gây ung thư hóa; bệnh nhân lớn tuổi có khản tiếng chưa loại trừ ung thư; ung thư tuyến giáp. Việc cắt thùy tuyến giáp chỉ loại bỏ một phần của tuyến giáp. Các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật này khi bệnh nhân có khối u nhỏ, khu trú tại một thùy của tuyến giáp.
Trường hợp nặng, bác sĩ phải cắt toàn bộ tuyến giáp, đây là biện pháp cuối cùng trong điều trị bệnh lý tuyến giáp và giúp tránh được nguy cơ tái phát. Sau điều trị bệnh nhân phải sử dụng thuốc suốt đời để đảm bảo hormon tuyến giáp hoạt động tốt.
Cắt toàn bộ tuyến giáp, vẫn có thể mang thai
Theo ThS. BS Mai Văn Sâm, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu phẫu thuật tuyến giáp phải hết sức cân nhắc nếu muốn mang thai. Sau mổ cắt một phần tuyến giáp nếu có thai thì khi đi làm xét nghiệm cần làm thêm xét nghiệm hormon tuyến giáp để xem phần tuyến giáp để lại có tiết đủ hormon theo nhu cầu của mẹ và thai nhi không, nếu thiếu thì phải bù thêm để không ảnh hưởng đến mẹ và đặc biệt là thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp vẫn có thể mang thai bình thường nhưng tốt nhất là trước khi mang thai 1 tháng, phải tăng liều hormon lên. Ngay khi biết có thai thì hôm sau phải đi xét nghiệm hormon giáp để chỉnh liều hormon cho kịp với nhu cầu của mẹ và thai nhi. Trong 3 tháng đầu, cứ 2 tuần phải đi xét nghiệm hormon giáp một lần để bù hormon cho kịp với nhu cầu của mẹ và thai nhi vì trong 3 tháng đầu thai nhi chưa có tuyến giáp của riêng mình, phải phụ thuộc hoàn toàn vào hormon giáp mà mẹ uống để phát triển các bộ phận cơ thể. Việc điều chỉnh hormon giáp phải do thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm chỉ định.
Sau khi cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để chữa lành vết thương, ăn thực phẩm giàu kẽm vì kẽm đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành các vết thương và hoạt động của hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao như thịt gà, thịt bò và thịt lợn là những nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt cũng chứa rất nhiều kẽm.