Silicon Valley Bank sụp đổ tác động đến chứng khoán Việt?

Theo nhận định của chuyên gia, khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam, có thể xuất hiện một nhịp chỉnh trong ngắn hạn song, nhịp chỉnh này là cơ hội mua.

Trung tuần tháng 3, nhiều báo chí đưa tin Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ trở thành nhà băng đầu tiên phá sản sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Chứng khoán nợ và cho vay là tác nhân chính?

Trước tiên nhìn vào tài sản của SVB, ngân hàng này có tổng tài sản 212 tỷ USD, trong đó tài sản sinh lãi chiếm 97% tổng tài sản. Hai khoản mục lớn nhất trong tài sản là chứng khoán nợ và cho vay lần lượt chiếm tỷ trọng 55% và 35% tài sản.

Với tổng chứng khoán nợ 117 tỷ USD, trong đó đa số là các trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức được chính phủ bảo trợ và chính quyền địa phương. Tổng số này chiếm 99% tổng trái phiếu SVB nắm giữ, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 1%. Theo đó có thể nhận định tài sản của SVB là các tài sản chất lượng và có tính thanh khoản cao.

Sự sụp đổ của SVB được xem là hệ quả nảy sinh từ quá trình thắt chặt lãi suất mạnh tay trong thời gian vừa qua nhằm kiềm chế lạm phát. Sự kiện SVB đã dấy lên những lo ngại như Lehman Brothers năm 2008. Sau SVB, Signature Bank, ngân hàng tiền số lớn nhất nước Mỹ cũng phải đóng cửa và chịu sự tiếp quản của của cơ quan quản lý.

Theo nhiều nhận định, sự thất bại của SVB khác hoàn toàn so với câu chuyện Lehman Brothers trước đây vì vấn đề của SVB mang tính cụ thể của từng ngân hàng, liên quan đến việc đáp ứng thanh khoản cũng như việc chịu lỗ từ sự tăng lãi suất của Fed, thay vì 1 vấn đề mang tính liên ngân hàng như câu chuyện năm 2008 của Lehman Brothers.

Rất nhanh chóng, một tuyên bố chung từ Fed, Bộ Tài chính Mỹ và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết tất cả những người gửi tiền tại Silicon Valley Bank sẽ có thể tiếp cận tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày 13/3. Fed cũng cho biết sẽ tạo ra một chương trình tài trợ mới có kỳ hạn cho ngân hàng nhằm đảm bảo nguồn tiền gửi tại các ngân hàng. Chương trình này sẽ cung cấp các khoản vay với kỳ hạn lên tới 1 năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, hiệp hội tín dụng và các tổ chức khác.

Sự giải quyết nhanh chóng của FDIC là tích cực nhằm sớm trấn an lòng tin người gửi tiền, điều tiên quyết để tránh bankrun (rút tiền hàng loạt) lan rộng.

Tác động ra sao đến Việt Nam?

Tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực Châu Á là không lớn. Theo các nhận định của chuyên gia khu vực, khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản – tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2/2023. Nhìn chung TTCK Châu Á phản ứng tương đối “bình tĩnh”. Mặt khác, đồng USD dự kiến sẽ yếu hơn sau sự kiện SVB cũng là yếu tố tích cực đối các nước mới nổi.

Về tác động với TTCK Việt Nam, đội ngũ phân tích VNDirect duy trì quan điểm thận trọng trong nửa đầu 2023. Ở Việt Nam, Nghị quyết 33/NQCP vừa được ban hành ngày 11/3; trong đó lưu ý về vấn đề tái cấu trúc các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một trong những thông tin thị trường khá mong chờ trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng) dự kiến vào Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước.

Dù vậy, VNDirect vẫn cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, đà tăng của VN-Index sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó.

Vì vậy, đội ngũ phân tích khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới; cũng như nên ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị/hoặc cổ tức hấp dẫn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng sẽ không có một cuộc khủng hoảng nào từ SVB. Tuy nhiên, trong một vài phiên đầu tuần sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư đang sợ xảy ra khủng hoảng như năm 2008. Thị trường trong đầu tuần có thể sẽ nhúng xuống nhưng không quá mạnh và tâm lý nhanh chóng lấy lại được tích cực.

Điểm sáng là dòng tiền đang có xu hướng khỏe và tăng lên, sự phân hóa có xảy ra nên không có kịch bản quá xấu để thị trường cắm sâu. Tin xấu cũng đã ra rồi, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã trấn an, hệ thống ngân hàng Mỹ đang khá tốt.

Vấn đề là một số ngân hàng khác đang trong tình trạng bị rút tiền như vậy, tâm lý lo sợ đổ vỡ domino tuy nhiên đó là lý do Fed sẽ hơi chững lại về hành động của mình trong thời gian tới. Cách đây mấy hôm Fed rất cứng rắn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, có khả năng cao Fed sẽ hoảng, hành động để cứu và sẽ không xảy ra domino. Nên nhớ rằng, các ngân hàng lớn vẫn đang thừa thanh khoản, đang rất ổn nên trong trường hợp bank run lại là cơ hội đi mua cổ phiếu giá rẻ.

"Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tận dụng nhịp chỉnh có thể mua thăm dò tỷ trọng thấp vì dò ở vùng đáy không nên mua lượng lớn, không dùng margin, chủ yếu để thăm dò xu hướng thị trường. Trong kịch bản tích cực, thị trường giảm đầu tuần và cuối tuần sẽ hồi lại", ông Minh khuyến nghị.

Đánh giá tác động lên thị trường, VietinBank Securities cho rằng tác động tiêu cực từ thông tin của SVB có thể là bài kiểm tra về sức mạnh của dòng tiền, nhất là khi lực bán gần như chắc chắn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn đầu tuần. Theo đó công ty chứng khoán này dự báo VN-Index dao động trong biên độ 1.030 – 1.060 điểm trong tuần 13 – 17/3.

Phân tích về những thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua, VietinBank Securities đánh giá tích cực về thông tin Trung Quốc chính thức đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm du lịch theo đoàn từ ngày 15/3. Việc du khách Trung Quốc trở lại được kỳ vọng thúc đẩy sự phục hồi của ngành dịch vụ như hàng không, du lịch.

Trước đó, một thông tin được quan tâm là Chính phủ ban hành Nghị định số 08 đối với lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định chính thức cho phép doanh nghiệp sử dụng các tài sản khác để thanh toán các khoản trái phiếu. Tuy vậy, kết quả cuộc đàm phán với trái chủ mới là yếu tố quyết định khả năng phục hồi của thị trường./.

Theo Đời sống
back to top