Sẽ rà soát lại Luật giáo dục trước thông tin "giáo sư cũng phải đi học chứng chỉ sư phạm".

(khoahocdoisong.vn) - Bộ GD&ĐT cho biết đang rà soát Luật Giáo dục (sửa đổi) trước thông tin phản ánh của một số giáo sư về việc phải đi học chứng chỉ sư phạm sau nhiều năm giảng dạy.

Mới đây, một vị giáo sư ở TP.HCM viết trên Facebook cho biết, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp.

Vậy mà giờ này đang bị người ta doạ là sắp tới phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp. Nếu không có chứng chỉ đó, sau này, sẽ không được hành nghề giảng viên nữa.

Cũng theo vị giáo sư này, lúc thi vào biên chế, ông đã phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học, nhưng chứng chỉ này hiện không được chấp nhận mà bắt buộc phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Theo tìm hiểu, trong Thông tư 12/2013 của Bộ GD-ĐT quy định đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH thì mới phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Các đối tượng đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn, được miễn trừ 2 học phần 7, 8 của chương trình bồi dưỡng này.

Các đối tượng đang giảng dạy cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ 10 tín chỉ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu (từ học phần 1 đến học phần 6) của chương trình bồi dưỡng.

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 36 ban hành năm 2014 của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT (quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp và chức danh của viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công lập) lại yêu cầu giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo – Bộ GD-ĐT  cho biết, việc giảng viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đã được qui định trong điều 77 Luật giáo dục.

Tuy nhiên, vẫn còn giảng viên, vì nhiều nguyên nhân (trong đó có PGS,GS) chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Ông Minh nói: “Qua phản ánh này, Bộ GD-ĐT đang rà soát, chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây (nếu cần thiết) trong thời gian tới”.

Theo Đời sống
back to top