Dự báo điểm chuẩn ngành tốp trên có thể nhỉnh hơn từ 1 - 2 điểm
Sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố phổ điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, dự báo điểm chuẩn, điểm sàn đại học năm nay thế nào là mối quan tâm của nhiều thí sinh.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: USSH. |
Trao đổi với PV, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo quan sát chung, phổ điểm các môn thi tốt nghiệp năm 2021 không có quá nhiều khác biệt so với năm 2020: điểm trung bình và điểm trung vị có dao động lên và xuống nhẹ ở các môn.
Trong bối cảnh chỉ tiêu năm 2021 của các trường không đột biến nhiều, phổ điểm thi lại khá ổn định so với năm 2021, vì vậy sẽ không có đột biến lớn trong điểm sàn và điểm chuẩn trong tuyển sinh năm nay, dù các ngành tốp trên có thể nhỉnh hơn từ khoảng 1 - 2 điểm.
Đối với các tổ hợp thuộc khối C và D truyền thống, dự kiến điểm sàn và điểm chuẩn vào các trường có lẽ sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào, nếu có sẽ rơi với các tổ hợp khối D.
Nhìn vào điểm trung bình của các môn cấu thành các tổ hợp khối C và D: Nếu như điểm giảm nhẹ từ 0,1 - 0,2 điểm đối với các môn Văn học và Lịch sử, thì môn Địa lý tăng nhẹ 0,2 điểm; môn Toán giảm nhẹ 0,1 trong khi môn tiếng Anh có sự tăng đột biến hơn khi điểm trung bình tăng tới 1,2 điểm.
Từ phân tích đó, ông Tuấn cho biết, đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, điểm sàn và điểm chuẩn năm 2021 đối với 31 chương trình tuyển sinh của Trường về căn bản sẽ như phổ điểm của năm 2020, đặc biệt là khi chỉ tiêu và số nguyện vọng đăng ký năm 2021 vào các chương trình về căn bản không khác biệt gì so với năm trước đó.
Vì vậy, thí sinh có thể tham khảo điểm sàn và điểm chuẩn năm 2020 của Trường để xác định mục tiêu phù hợp cho bản thân mình. Riêng đối với các tổ hợp liên quan đến ngoại ngữ, trong những năm qua, số lượng thí sinh dùng tổ hợp liên quan đến ngoại ngữ để xét tuyển vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày càng tăng. Vì vậy, năm nay, hy vọng sẽ có nhiều thí sinh có năng lực ngoại ngữ tốt đăng ký xét tuyển, đặc biệt là vào các ngành đào tạo chất lượng cao vốn yêu cầu sinh viên học khoảng 20 - 30% số lượng học phần bằng ngoại ngữ.
Theo ông Tuấn, năm nay, đối với lứa thí sinh 2003, các em gặp nhiều khó khăn trong 2 năm học cuối của chương trình THPT (phần lớn học online), tuy nhiên, kết quả kỳ thi cho thấy kiến thức nền tảng tương đối vững của học sinh, độ phân hóa qua phổ điểm khá rõ. Đây vừa là cơ sở để xét Tốt nghiệp, vừa là cơ sở để các trường đại học và cao đẳng xét tuyển đầu vào.
Điểm chuẩn phụ thuộc nhiều vào điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh
Đánh giá về phổ điểm các khối tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) và B00 (Toán, Hóa, Sinh), PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, năm 2021 có đặc thù là số thí sinh thi tốt nghiệp nhỉnh hơn so với 2 năm gần đây. Theo phổ điểm công bố của Bộ GD&ĐT, so sánh với phổ điểm tương ứng năm 2020 thì có thể thấy phổ điểm của 3 khối trên năm nay có một số thay đổi nhỏ.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mai Loan. |
Cụ thể, đối với khối A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm hơn so với năm 2020 nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17 - 25 điểm cao hơn so với năm 2020.
Nhận xét tương tự đúng với phổ điểm của khối B00 với đỉnh là 21 điểm, số thí sinh đạt mức điểm 17 - 23 cũng tăng lên so với năm 2020. Biến động lớn nhất xảy ra với khối A01, phổ dịch sang phải so với năm 2020, đỉnh là 22 điểm nhưng số lượng thí sinh được 21 - 27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020.
3 khối A00, A01 và B00 là những tổ hợp chính thí sinh sử dụng để đăng ký vào các ngành Khoa học Tự nhiên, từ những đánh giá trên, dự báo điểm chuẩn các ngành KHTN cơ bản giữ nguyên, một số ngành có điểm chuẩn năm 2020 ở mức 20 - 23 điểm có thể tăng nhẹ.
Tuy nhiên, việc điểm chuẩn tăng hay giảm sẽ còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký vào ngành đó, như vậy cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào các điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.
Từng nhiều năm phụ trách công tác tuyển sinh của nhà trường, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh khuyên, trong thời điểm này, các thí sinh cần rà soát lại các ngành và trường đại học đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân.
Các em cũng vẫn còn một vài ngày để tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề, ví dụ nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc học tiếp sau tốt nghiệp. Các em cũng cần xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường.
Một việc quan trọng nữa là cần xem thông tin điểm chuẩn 1 - 2 năm gần đây của các ngành đó và phổ điểm các môn thi, các tổ hợp thi năm 2021, nên có so sánh với phổ điểm năm 2020 để có dự đoán về xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn.
Với các nguyện vọng 1 - 2, các em nên để những lựa chọn ngành/trường ưng ý nhất, có dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn 1 - 1,5đ với điểm thi. Tiếp theo là các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên và dự báo chuẩn điểm giảm dần so với điểm thi. Để an toàn, vẫn nên chọn thêm 1 - 2 nguyện vọng ngành gần, ngành tương tự với ngành ưa thích nhất nhưng có dự báo điểm chuẩn thấp hơn hẳn điểm thi.
Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành/trường mà các em đã đăng ký (từ 3 - 5 điểm) thì cần phải cân nhắc lại, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên.
Trường hợp điểm thi cao, các em vẫn phải tham khảo phổ điểm các môn và tổ hợp xét tuyển. Nếu mặt bằng chung điểm ở tổ hợp xét tuyển cũng cao, ngành chọn lại là ngành “hot” thì cũng nên thận trọng. Thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25, 26 điểm nhưng vẫn trượt đại học.
“Dù kết quả như thế nào, các em hãy vui lòng đón nhận. Năm nay là một năm đặc biệt khó khăn khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến trong năm học các em phải học online khá nhiều và các em đã xuất sắc vượt qua. Giờ là thời điểm các em bình tĩnh xem xét và có những điều chỉnh nguyện vọng hợp lý trên cơ sở điểm thi và dự báo điểm chuẩn để theo đuổi được ngành nghề ở trường đại học mà mình mong muốn”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh chia sẻ.