Loại thuốc mới dự kiến sẽ trải qua những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vào tháng 7/2024 và được kỳ vọng có mặt trên thị trường trước năm 2030.
Công trình trên do các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Y khoa Bệnh viện Kitano ở Osaka, Nhật Bản, đứng đầu, nhằm mang đến “loại thuốc mới điều trị cho những bệnh nhân thiếu răng do các yếu tố bẩm sinh”.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ người mắc dị tật thiếu răng bẩm sinh chiếm 1% dân số thế giới. Tình trạng thiếu răng bẩm sinh sẽ hạn chế những khả năng cơ bản của con người như nhai, nuốt, nói, từ đó ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển và trưởng thành của người bệnh.
Tiến sĩ Katsu Takahashi, Trưởng khoa Phẫu thuật Răng miệng tại Viện Nghiên cứu Y khoa Bệnh viện Kitano, đã nghiên cứu thuốc chống tình trạng anodontia (thuật ngữ y học chỉ tình trạng thiếu răng bẩm sinh) từ những năm 1990.
Được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế Nhật Bản (AMED) hỗ trợ, nhóm nghiên cứu của ông đã kích thích thành công sự phát triển của răng "thế hệ thứ ba" - sau răng sữa đầu tiên và tiếp đó là răng trưởng thành vĩnh viễn - trên các động vật.
Bằng cách phát triển một loại thuốc kháng thể trung hòa ngăn chặn hoạt động của USAG-1, loại gene hạn chế sự phát triển của răng ở người và chuột, nhóm nghiên cứu kích thích mọc lại răng ở chuột và chồn sương.
“Ý tưởng về khả năng khiến răng người mọc lại là ước mơ của mọi nha sĩ”, Tiến sĩ Katsu Takahashi nói và cho biết, giờ đây, ông tự tin rằng mình có thể hiện thực hóa ước mơ đó.
Những kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học trên toàn cầu.
Nếu được phát triển thành công, loại thuốc mới sẽ đánh dấu bước tiến vượt bậc trong giới y nha khoa, cung cấp phương pháp điều trị thay thế cho tình trạng mất răng do sâu răng hoặc bệnh lý khác liên quan răng miệng.
Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm để sớm cho ra mắt sản phẩm cuối cùng. Khi tính an toàn và hiệu quả của nó được đảm bảo, trước tiên, thuốc sẽ được dùng điều trị cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi có dấu hiệu của chứng anodontia. Tiếp đó, những người bị mất răng do sâu răng hoặc bệnh răng miệng nghiêm trọng có thể sử dụng.