Sẽ có quy chuẩn cho 10 chất tạo ngọt

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 13/12, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam đã tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phụ gia thực phẩm.

Theo bà Phạm Thị Ngọc, Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, xu hướng sử dụng chất tạo ngọt trong thực phẩm hiện nay khá phổ biến. Chất tạo ngọt có độ ngọt gấp đến 700 lần đường thông thường nhưng lại có rất ít năng lượng. Ngày 30/8/2019 Bộ Y tế đã có quy định về danh mục 25 chất tạo ngọt nằm trong danh mục được phép sử dụng. Chất tạo ngọt được coi như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nếu sử dụng đúng liều, nhất là với bệnh nhân đái tháo đường và béo phì. Hiện nay, các loại nước giải khát, bánh kẹo, ô mai, kem, dược phẩm, mỹ phẩm… đều dùng phổ biến chất tạo ngọt nằm trong danh mục cho phép.

Điều 7 của Thông tư 24 của Bộ Y tế đã quy định rõ về việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất tạo ngọt nhằm hạn chế mức thấp nhất tác hại mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn. Phụ gia thực phẩm phải đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nhưng hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm về chất tạo ngọt.

Theo lộ trình đặt ra, sang năm 2020 sẽ công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 10 phụ gia thực phẩm, chất tạo ngọt gồm: Natri Cyclamat, Aspartam – Acesulfam, Siro Polyglycitol, Siro Sorbitol, Sucralose, Natri Saccharin, Kali Saccarin, Calci Saccarin, Alitam, Calci Cyclamat. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này do Ban soạn thảo xây dựng Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm biên sọan, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trình duyệt.

PGS.TS Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học và Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, hiện nay đa phần chất tạo ngọt là được doanh nghiệp nhập khẩu về, trong đó có những loại chất tạo ngọt không thuần khiết. Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này cũng nhằm tránh tình trạng đưa hàng kém chất lượng vào Việt Nam, đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng.

Theo Đời sống
back to top