Scurma Fizzy “vượt rào” pháp luật, quảng cáo thực phẩm là thuốc

Dù báo chí đã phản ánh, viên sủi nano Scurma Fizzy của Công ty Cổ phần Elepharma chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không phải thuốc, nhưng vẫn quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Đơn vị phân phối, tiếp thị còn thực hiện các chiến dịch quảng cáo trái quy định mạnh hơn, rầm rộ hơn trên mạng xã hội như lời thách thức trước cơ quan chức năng…
Scurma Fizzy

Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng bị “hô biến” thành thuốc và có tác dụng điều trị bệnh.

Bất chấp pháp luật, quảng cáo thực phẩm là thuốc

Rất nhiều các page Facebook tiếp thị sản phẩm Scurma Fizzy đã được lập ra và quảng cáo sản phẩm này có tác dụng chữa bệnh trong thời gian qua. Mạng lưới phân phối mặt hàng này qua mạng xã hội ngày càng nhiều thêm và có điểm chung là nội dung đều không đúng sự thật, trái quy định liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Có thể kể đến các page như Scurma Fizzy – Trải nghiệm đột phá Nanocurcumin, Nano Curcumin, Nhà thuốc Scurma sủi hướng đích vùng viêm loét dạ dày, Scurma – sủi chữa dạ dày…

Tất cả các page này đều sử dụng đoạn clip của VTV1 đưa tin về hội thảo công bố đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, nội dung các startus được đăng kèm clip lại được “thòng” thêm nhiều thông tin trái quy định. Trắng trợn hơn, đơn vị quảng cáo nói thẳng: “Đặc trị bệnh dạ dày bằng Scurma Fizzy”. Đồng thời, rất nhiều hình ảnh loại thực phẩm này bị xuyên tạc thành “Điều trị hiệu quả sau 2 tuần”… Tất cả những hình ảnh, clip và nội dung quảng cáo trên các page mạng xã hội đều có đặc điểm giống nhau.

Điểm đáng lưu ý là sau mỗi bài đăng, các page này đều có thông báo gửi tin nhắn để được tư vấn hoặc để lại số điện thoại để được tư vấn.

Chẳng hạn, trên page Nano Curcumin nói thẳng sản phẩm Scurma Fizzy là thuốc và có tác dụng đặc trị bệnh dạ dày. Hay page Scurma Fizzy – Sủi nghệ Curcumin đột phá hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày có nhiều bài viết đi kèm theo hình ảnh sản phẩm Scurma Fizzy có tác dụng điều trị hiệu quả sau 2 tuần và tạm biệt trào ngược, đau dạ dày…

Nhiều bài viết đăng tải lên các page có nội dung tương tự sau đó được đơn vị tiếp thị quảng cáo rầm rộ trên Facebook. Nhiều page, số lượng người tiếp cận với thông tin không đúng sự thật này lên đến hàng trăm ngàn người và có page lên tới hơn 2 triệu người đăng ký.

Scurma Fizzy

Hàng trăm ngàn người đã tiếp cận với thông tin không trung thực về sản phẩm Scurma Fizzy

Đạo đức của người dược sĩ ở đâu?

Trước thông tin về việc đơn vị tiếp thị Scurma Fizzy quảng cáo sản phẩm này như thuốc chữa bệnh, nhiều người tỏ ra bất bình với cách làm ăn “không mấy tử tế” của đội ngũ dược sĩ (nếu có) vì tiếp thị không đúng bản chất, xuyên tạc chất lượng sản phẩm.

Theo anh Nguyễn Văn Thái, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội, nếu báo chí không thông tin về việc sản phẩm này chỉ là thực phẩm thì anh sẽ nghĩ đây là thuốc. Bởi các quảng cáo đều ghi là có tác dụng điều trị và nói rõ là thuốc thì việc hiểu nhầm là chuyện đương nhiên.

Anh Thái cũng cho rằng, cần phải xem lại đạo đức của các dược sĩ đứng ra phân phối, tiếp thị cho sản phẩm này vì quảng cáo gian dối. Cách làm ăn thiếu nghiêm túc và tử tế này chỉ thấy ở một số đối tượng làm ăn chộp giật, lừa đảo chứ ít khi thấy ở một công ty được tung hô như thế này.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: Thực phẩm thì không được phép quảng cáo là thuốc, có tác dụng điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Các đơn vị tiếp thị, phân phối phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo và phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sai phạm đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin…

Quách Dương

Theo Đời sống
back to top