Đất sau tẩy độc, trồng cây là tốt nhất
Liên quan đến công tác ứng phó, xử lý hóa chất độc hại sau sự cố cháy Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Urenco 10, cho biết ngày đầu công việc chủ yếu là dọn dẹp, cưa cắt phần kết cấu bị sập đổ để phát tuyến, khơi thông đường... Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng tiêu độc ở những vị trí đã được tiếp cận, dọn dẹp. Do khối lượng công việc quá lớn, nguy hiểm và tốn nhiều nhân lực nên phải huy động thêm máy móc để giảm sức lao động. Mất ít nhất 3 ngày mới có thể đánh giá được khối lượng, tiến độ công việc và cần ít nhất 20 ngày mới có thể “làm sạch” được Công ty Rạng Đông.
PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cho biết, đất sau tẩy độc thủy ngân tốt nhất là trồng cây xanh, làm khuôn viên vui chơi cho người dân. Nếu trồng cây ăn quả, trồng rau, thì phải xem tồn dư kim loại trong đất cụ thể như thế nào. Về lâu dài, trồng cây là cách cải tạo môi trường tốt nhất. Thực tế, đất ở khu vực nhà máy Rạng Đông đã được tẩy độc thì không lo lắng nhiều việc nhiễm thủy ngân nữa. Trong đám cháy, đa phần thủy ngân đã bị phát tán hết vào không khí bởi chúng bay hơi cực nhanh. Rồi gặp gió, mưa… sẽ sa xuống. Nghĩa là phạm vi phát tán rất rộng chứ không tập trung hết trong khu vực cháy.
Thực tế, người dân không nên lo lắng quá mức về việc nhiễm độc thủy ngân. Bởi trong môi trường thông thường, thủy ngân vẫn tồn tại ở ngưỡng nhất định. Thủy ngân là chất độc, nhưng không nên quá hoang mang, hoảng sợ bởi phải ở mức độ nào đó mới gây ra ngộ độc.
Lo lắng nhà cao tầng mọc lên
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản hỏa tốc chỉ đạo thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Đáng chú ý, ông Chung yêu cầu khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/2018, trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung. Thực tế, Công ty Rạng Đông đã có một số văn bản đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất số 15 Hạ Đình (nay là số 87 - 89 Hạ Đình).
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) - tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường lo lắng, nếu việc xử lý đất đai của Rạng Đông giống như nhiều đơn vị khác là sau di dời lại xây nhà cao tầng, chung cư thì sẽ là một gánh nặng rất lớn cho giao thông đô thị khu vực này.Tình trạng tắc đường, vỡ quy hoạch hạ tầng sẽ cận kề. Trong khi đó thì mảng xanh, mảng công trình công ích như công viên, trường học, khu vui chơi… thì Hà Nội đang thiếu quá nhiều.
Nếu chuyển nhượng, lô đất này cũng hoàn toàn có thể đem về "núi tiền" trị giá nghìn tỷ đồng cho Rạng Đông bởi nằm trong khu đất vàng, mặt cắt ngang 6,5 m, chỉ mất vài phút ra tuyến đường Nguyễn Trãi, hạ tầng giao thông đồng bộ với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sắp đi vào vận hành; và được hưởng tiện ích từ toà cao ốc đã được xây trước đó như Royal City… Nhưng thực tế, khu vực Thanh Xuân đã phát triển quá nhiều chung cư. Do đó, khi các nhà máy di dời ra khỏi nội đô, chính quyền cần quan tâm quỹ đất để xây dựng các công trình công ích, phục vụ đời sống người dân đúng như tinh thần quy hoạch.
Tô Hội