Sau 6/9, Hà Nội chỉ giãn cách xã hội tại "vùng đỏ", nới lỏng ở "vùng xanh"

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 theo đề xuất, thiết lập 3 vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch.

Nội dung nêu trên thể hiện trong thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng, chống Covid-19, ban hành ngày 1/9.

Theo thông báo, Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Bao gồm, hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ); vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, dập dịch.

Sau 6/9, Hà Nội chỉ giãn cách xã hội tại vùng đỏ, nới lỏng ở vùng xanh - 1

Sau 6/9, Hà Nội chỉ giãn cách xã hội tại "vùng đỏ", nới lỏng ở "vùng xanh".

Đối với các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg để tổ chức phục hồi sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ", bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp giữa các vùng, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đặc biệt là việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Đồng thời, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập, vướng mắc, phát sinh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với các Sở, ban, ngành của thành phố phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ tình hình dịch trên địa bàn được phép áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm người đứng đầu trước thành phố.

Công an thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân; quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Theo dantri.com.vn
back to top