Nhiều gia đình đang chủ quan, coi chiếc sạc pin điện thoại vô hại, nhưng thực chất nó lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Không nên cho trẻ nhỏ nghịch sạc pin điện thoại. Ảnh Trần Hải
Sạc điện thoại, máy tính đều nguy hiểm
Mới đây, trên một trang mạng chia sẻ thông tin về sự việc thương tâm: Bé tử vong do ngậm đầu sạc điện thoại. Một tài khoản facebook chia sẻ: “Sự việc xảy tại Đại Đồng quê mình chứ không phải trên mạng xa xôi nhé mọi người. Sáng nay cho con đi học ở Đại Đồng thật sự mình đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đưa tiễn đám tang của một bé gái chưa đầy một tuổi. Bé bị điện giật tử vong tại chỗ do ngậm đầu sạc điện thoại. Nhà có trẻ nhỏ các mẹ hãy thận trọng rút sạc ngay sau khi sạc điện thoại nhé… “. Người chia sẻ mong rằng những phụ huynh khác phải thật cẩn thận để tránh rơi vào tình cảnh tương tự bằng cách rút sạc ngay sau khi dùng xong.
Dù thông tin trên chưa được xác minh nhưng trên thực tế cũng từng có những ca các bé bị tử vong hoặc bị thương nặng do nghịch sạc điện thoại. Theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện trong các gia đình, thói quen sử dụng thiết bị điện sai cách, không đúng hướng dẫn sử dụng của thiết bị, chính là những “sát thủ” đối với các thành viên trong nhà, nhất là đối với trẻ em.
“Tôi quan sát thấy nhiều nhà sử dụng bình đun nước siêu tốc, nhưng đa phần không rút phích cắm mà cứ để nguyên đó, trong khi công tắc điện nằm trên thân ấm chứ không nằm ở bộ phận để tiếp đất. Rất nguy hiểm nếu điện rò rỉ ra ngoài, hoặc trẻ em nghịch ngợm, chọc vào ổ điện thì nguy cơ chết người là có thể.
Hoặc thói quen cắm sạc điện thoại, sạc máy tính để đó cũng cực kỳ nguy hiểm vì đa phần các thiết bị này có lớp sơn cách điện mỏng chỉ khoảng 1 micromet đến đầu cắm sạc. Chỉ cần sơ sẩy để lớp sơn này bong ra, khả năng bị điện giật chết người từ việc sờ vào các đầu cắm sạc cũng rất lớn”, TS Trần Văn Thịnh cho biết.
Sử dụng theo hướng dẫn
Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, khi sử dụng cần thực hiện theo đúng những quy định khuyến cáo về dung lượng, dòng nạp, thời gian nạp. Cần dùng đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như dùng đúng loại đầu cắm sạc cho thiết bị.
Tuyệt đối không dùng điện thoại trong lúc sạc pin với nguồn điện 220V vì đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn. Pin sạc không dùng cho tất cả mọi dòng điện thoại. Hãy tìm hiểu kỹ nguồn điện, nhãn hiệu, cổng sạc… trước khi mua. Không nên “tiện đâu sạc đấy”, cục sạc nào cũng cắm, dễ làm hỏng cục pin của điện thoại”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.
Theo TS Trần Văn Thịnh, ở các công trình công cộng hay nhà ở, an toàn nhất là lắp hệ thống aptomat chống rò, chống giật. Khi có điện rò ra vỏ thì aptomat sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Theo nguyên lý đó, khi có người không may chạm vào dây điện bị hở thì hệ thống aptomat cũng sẽ tự động ngắt điện.
Đây là cách dễ làm nhất để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm. Đặc biệt là những thiết bị điện dễ xảy ra rò rì như bình nóng lạnh, tủ lạnh, máy sấy, nồi cơm điện, ấm đun nước, ấm siêu tốc… thì nên lắp đặt hệ thống aptomat riêng. Đầu tư cho hệ thống điện càng lớn thì chỉ số an toàn càng cao.
Khuyến cáo đưa ra là không dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao. Đối với trường hợp ổ cắm không chặt với phích cắm thường phát sinh tia lửa điện khi sử dụng, cần kiểm tra và khắc phục ngay tình trạng này trước khi sử dụng.
TS Trần Văn Thịnh cho rằng, những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế (đặc biệt là máy điều hoà nhiệt độ). Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện.
Theo TS Trần Văn Thịnh, để hệ thống điện gia đình luôn an toàn, hãy nhờ đến sự trợ giúp của thợ bảo dưỡng chuyên nghiệp chăm sóc 1, 2 lần/ 1 năm để họ kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường mà chúng ta không biết được.
Bảo Khánh