Sắp hết hạn nhưng gói hỗ trợ đào tạo mới giải ngân được 17 tỷ đồng

Gói hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có kinh phí dự trù lên tới 4.500 tỷ đồng, đã triển khai được 10 tháng, nhưng mới giải ngân được 17 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, báo cáo của các địa phương đến 17/5 mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc xin hướng dẫn của 200 doanh nghiệp. Trong đó, mới có 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đào tạo lại cho trên 30.000 người lao động, Sở LĐ-TB&XH của 14 địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp đào tạo lại gần 9.000 người lao động, tổng kinh phí dự kiến trên 54 tỷ đồng.

Còn theo BHXH Việt Nam, mới có BHXH của 12 tỉnh, thành nhận được hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ của 31 doanh nghiệp được địa phương phê duyệt. Thực tế, cơ quan BHXH mới giải ngân được 17,1 tỷ đồng để đào tạo lại cho 4.000 NLĐ.

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân thấp trên là do danh sách người lao động được phê duyệt khác danh sách thực tế được đào tạo, một số người lao động nghỉ việc nên doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian.

Chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm nằm trong những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng.

Mục tiêu của Chính sách này là đào tạo lại 1 triệu lao động cho nền kinh tế. 

Chính sách có hạn nhận hồ sơ tới hết tháng 6/2022, giải ngân cho đào tạo tới hết tháng 12/2022. Mức hỗ trợ 1,5 triệu/người/tháng, tối đa 6 tháng mỗi người. 

Chính sách này được các doanh nghiệp kỳ vọng rất cao, tuy nhiên đã 10 tháng trôi qua nhưng thực tế triển khai rất chậm.

Theo Đời sống
back to top