Sao không ai giả mạo thánh chỉ? 60 bước làm ra rắc rối hơn in tiền

Theo hướng dẫn viên ở Cố Cung Bắc Kinh, quy trình chế tác thánh chỉ rất phức tạp, lên đến hơn 60 công đoạn, còn rắc rối hơn cả in tiền, vì vậy cực khó làm giả.

Trong các bộ phim cổ trang, chúng ta thường thấy cảnh thái giám tuyên đọc thánh chỉ của hoàng đế, cũng có những cảnh làm giả, giả truyền thánh chỉ. Tuy nhiên, trong lịch sử thực tế, rất ít khi xảy ra việc sửa đổi hoặc làm giả thánh chỉ.

Theo hướng dẫn viên Phòng Bác của Cố Cung ở Bắc Kinh, lý do là vì quy trình chế tác thánh chỉ rất phức tạp, lên đến hơn 60 công đoạn, cần phải giao cho các nghệ nhân thêu những hoa văn đặc biệt để làm dấu chống giả mạo nên việc làm giả thánh chỉ là vô cùng khó khăn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hướng dẫn viên Phòng Bác cho biết, bất kể là văn bản hay khẩu dụ (khẩu lệnh), đều được gọi chung là "thánh chỉ" vì đó là mệnh lệnh được hoàng đế ban hành. Hơn nữa, không phải triều đại nào cũng mở đầu thánh chỉ bằng câu "Phụng Thiên Thừa Vận Hoàng Đế chiếu viết". Chẳng hạn, triều Đường sử dụng cụm từ "Môn hạ", triều Nguyên sử dụng câu "Trường Sinh Thiên Khí Lực Lý, Đại Phúc Ấm Hộ Trợ Lý" vì người Mông Cổ tín ngưỡng Trường Sinh Thiên và tin rằng ngôi hoàng đế là do Trường Sinh Thiên - vị thần tối cao bậc nhất của Mông Cổ ban tặng.

Đến triều Minh, thánh chỉ mới có cụm từ "Phụng Thiên Thừa Vận Hoàng Đế chiếu viết" như thường thấy trong phim cổ trang. Đến triều Thanh vẫn tiếp tục sử dụng câu mở đầu này nhưng thêm phần viết bằng chữ Mãn.

Quá trình định bản và chế tác thánh chỉ bằng văn bản cũng rất phức tạp. Trước tiên, phải có một bản thảo do các đại học sĩ của Nội các soạn thảo, sau khi được hoàng đế phê duyệt, bản thảo sẽ được Nội các gửi đến Bộ Lễ để chế tác. Để ngăn chặn việc sửa đổi hoặc làm giả, quy trình chế tác thánh chỉ đòi hỏi hơn 60 công đoạn, mỗi công đoạn lại do một nhóm người khác nhau đảm nhận và còn phải giao cho các nghệ nhân thêu của cung đình thêu những hoa văn đặc biệt để làm dấu chống giả mạo. Cuối cùng, thánh chỉ sẽ được đóng dấu ngọc tỷ.

Tuy nhiên, loại "thánh chỉ cao cấp" này không chỉ tốn thời gian, công sức mà còn tốn kém. Nếu muốn ban hành lệnh khắp cả nước thì sẽ rất phiền phức. Do đó, "thánh chỉ cao cấp" chỉ được làm một bản duy nhất. Sau khi bản gốc được gửi đến Bộ Lễ, các quan chức có nét chữ đẹp sẽ sao chép lại nội dung, gọi là "đằng hoàng", sau đó phát tán khắp nơi trên cả nước. Khi các quan chức địa phương nhận được văn bản này, họ sẽ tiếp tục sao chép và truyền đạt nội dung xuống dưới.

Theo Đời sống
back to top