Doanh nghiệp đào tạo lại không có nghĩa là đào tạo từ đầu
Theo ông Đặng Minh Tuấn, trường đại học có nhiệm vụ đào tạo riêng của họ chứ không phải mục tiêu là đào tạo cho một doanh nghiệp nào đó.
Ví dụ, khi sinh viên theo học ngành máy tính, nhưng không nhất thiết ra trường phải làm cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phần mềm mà có thể học cao hơn nữa, làm giảng viên đại học, hoặc vào cơ quan nhà nước.
Tức là trường đại học đào tạo những kiến thức mang tính chất nền tảng, thiết yếu nhất chứ không phải đào tạo cụ thể cho một vài doanh nghiệp nào.
Còn doanh nghiệp “đào tạo lại” thì không phải là dạy cho sinh viên từ đầu, mà trên cơ sở kiến thức nền tảng của sinh viên đã có, doanh nghiệp sẽ có những chương trình đào tạo để phù hợp với doanh nghiệp hơn.
Ví dụ, doanh nghiệp của của ông Tuấn về phần mềm thị trường Nhật Bản thì sẽ đào tạo các sinh viên về cách làm việc để làm sao có quy trình làm việc phù hợp với khách hàng Nhật Bản. Còn nếu như vào doanh nghiệp thị trường Việt Nam thì có thể lại đào tạo theo cách khác.
Và việc đào tạo này thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp, khi muốn lực lượng lao động phù hợp với doanh nghiệp của mình, chứ cũng không thể buộc các trường đại học phải đào tạo hết tất cả những gì mà doanh nghiệp cần.
Tuy nhiên, cũng có những phần “cứng” mà có thể phù hợp với mọi doanh nghiệp, và các trường đại học gần đây cũng đã tích hợp vào dạy cho sinh viên, đó là các kỹ năng mềm. Ví dụ, từ việc viết email thế nào, đến phỏng vấn ra sao, hay đạo đức nghề nghiệp…
Một số trường đại học cũng đào tạo theo hướng tiếp cận với doanh nghiệp rất tốt từ việc có những chương trình hợp tác, hoặc những ngày hội hướng nghiệp.
Ví dụ, đối với lĩnh vực phần mềm, , sinh viên từ năm thứ 3, thứ 4 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nếu có hướng theo lĩnh vực này đã được đưa vào doanh nghiệp phù hợp, thực tập từ 3 – 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp đã đáp ứng được khá tốt yêu cầu của doanh nghiệp, cả về kiến thức nền tảng, kiến thức cơ bản.
Sinh viên tham gia Ngày hội hướng nghiệp tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). |
Hoặc từ những ngày hội hướng nghiệp, từ việc tiếp xúc, tư vấn của các doanh nghiệp, các sinh viên năm thứ 3, 4 đã định hướng, xác định được công việc của mình. Và khi ra trường là có thể biết mình làm gì rồi. Chứ không phải như thế hệ nhiều thế hệ sinh viên trước, giống như ông Tuấn, ra trường vẫn “ngơ ngác” không biết làm gì, nên vào làm nhà nước hay doanh nghiệp.
“Không làm được việc nhỏ, đừng mong làm việc lớn”
Một trải nghiệm đã khiến ông Tuấn thay đổi quan niệm của mình về công việc và muốn chia sẻ với các bạn sinh viên, đó là khi ông thay đổi một công việc đang rất tốt, chuyển sang làm cho một công ty phần mềm của Nhật, sang Nhật làm việc. Công ty đã hứa với ông rằng, họ sẽ đào tạo ông để sau này, khi quay trở về Việt Nam, ông sẽ được làm giám đốc công ty ở Việt Nam.
Được sang một đất nước như Nhật để học về phần mềm, ông Tuấn hy vọng rằng mình sẽ được đào tạo về những kỹ thuật cao, về quản trị, chiến lược. Nhưng rồi, 6 tháng đầu, ông đã “sốc”.
Ông chỉ được đào tạo về chào hỏi: Ví dụ, gặp khách hàng thì cúi xuống bao nhiêu độ, khi gặp sếp thì cúi xuống bao nhiêu độ. Hoặc khi vào phòng sếp, phòng giám đốc công ty, khi đi ra thì đi như thế nào, không phải là quay người đi, mà đi giật lùi.
Hoặc khi ăn uống với khách hàng, với giám đốc thì nâng cốc như thế nào, cao hay thấp hơn. Khi gặp khách hàng cùng giám đốc, thì nhân viên ngồi đâu, giám đốc ngồi đâu.
“Lúc đó, tôi rất bực mình, cứ nghĩ mình phải được dạy cái gì đó “cao siêu”, không ngờ lại được học những thứ như một đứa trẻ lớp 1 ở Việt Nam vậy. Một hôm, tôi quyết định hỏi người trực tiếp đào tạo mình rằng, tôi sang đây để học làm giám đốc, tại sao lại đào tạo tôi những thứ như thế này. Và người đó đã nói với tôi một câu khiến tôi thay đổi quan niệm trong cuộc sống cũng như công việc sau này, đó là: “Đối với người Nhật chúng tôi, nếu anh không làm được những việc nhỏ, việc đơn giản, thì đừng mong làm được những việc lớn”.
Sau này, khi ngẫm nghĩ và qua các trải nghiệm, ông thấy điều đó rất đúng. Học kiến thức trong trường đại học rất quan trọng, nhưng có thứ quan trọng cũng không kém, đó là kỹ năng mềm,
Điều đó thể hiện từ những việc tưởng “nhỏ”, đó là cách ăn nói, đi đứng, trang phục…
Người Việt Nam thường có khái niệm “giờ cao su”, điều này cần thay đổi. Khi đến một buổi phỏng vấn, các bạn không thể nào đến muộn được. Đặc biệt, ngay cả việc đúng giờ, các sinh viên thường hiểu sai khái niệm đúng giờ. Ví dụ, cuộc phỏng vấn hoặc được mời tham dự là thành viên chính của cuộc họp lúc 3h, mà 3h mới đến thì đó không phải là đúng giờ. Bởi có thể, khi bạn đến, còn phải có những sự sắp xếp liên quan đến bạn, và thời gian sẽ bị kéo dài muộn hơn. Thay vào đó, cần phải đến trước từ 5 - 10 phút.
Hoặc là sự chuyên nghiệp trong công việc. Ví dụ, đang tham gia một dự án rất “căng”, không thể đùng một cái nói rằng: Nhà tôi có việc bận, hoặc tôi bận đám cưới bạn thân, tôi xin nghỉ vài ngày. Hay khi khách hàng cần lại không liên lạc được…
Tất cả những điều đó rất quan trọng, nếu sinh viên thiếu những kỹ năng này, thì sẽ rất khó để thành công. Các trường nên có các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, hằng năm, các chương trình, khung đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đều có sự cập nhật từ phản ánh doanh nghiệp. Những năm gần đây, Trường cũng đã chú trọng có các chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Đặc biệt, mỗi năm đều tổ chức các ngày hội hướng nghiệp, để các sinh viên có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho mình.