Sàng lọc người nghi nhiễm
“Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm” do nhóm sáng kiến của Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu giúp tầm soát và sàng lọc người có triệu chứng lâm sàng và các yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Với những tính năng như: Đa ngôn ngữ (6 ngôn ngữ), đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập liệu, truy xuất lịch sử đi lại và thông tin người nghi nhiễm hoặc nhiễm rất nhanh chóng, đồng thời giúp nhân viên y tế đưa ra hướng dẫn nhanh, chính xác, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm,… Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc (eScreening) đã được Viện Ứng dụng Công nghệ bàn giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng sáng 22/4.
Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc có nhiều tính năng như: đa ngôn ngữ, đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập liệu, truy xuất lịch sử đi lại,… |
PGS. TS Mai Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, giải pháp này trước hết phục vụ công tác chống dịch bệnh Covid-19, và có thể ứng dụng sàng lọc trong khám chữa bệnh. Viện Ứng dụng Công nghệ và nhóm nghiên cứu sẵn sàng lắp đặt vận hành cho các đơn vị có nhu cầu. Giải pháp gồm 2 phần: Phần mềm được viết trên các hệ điều hành thông dụng, cho phép chạy trên máy tính hoặc trên nền web; Phần cứng bao gồm một máy tính, hai màn hình (một cho nhân viên y tế và một cho người khai báo) và cảm biến nhiệt. Khi tổ chức phân luồng, người khai báo nhập thông tin cá nhân, lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày và các triệu chứng như ho, sốt... từ màn hình chạm phía ngoài. Cảm biến nhiệt đo thân nhiệt của người khai báo. Nhân viên y tế có thể theo dõi việc nhập thông tin, in kết quả, lưu số liệu trên một màn hình khác, không tiếp xúc với người khai báo.
Nhân viên y tế hoàn toàn có thể ngồi tại phòng có vách ngăn mà vẫn hướng dẫn được bệnh nhân khai báo. |
Là người trực tiếp sử dụng giải pháp này, chị Vũ Thị Minh Tuyến, điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, nếu như trước đây nhân viên y tế phải đứng bên cạnh hướng dẫn bệnh nhân khai báo thì bây giờ có hệ thống này chúng tôi hoàn toàn có thể đứng trong phòng có vách ngăn mà vẫn hướng dẫn được bệnh nhân và có thể kiểm tra được bệnh nhân khai đúng, sai hay có thiếu sót không…
Thay thế biện pháp giãn cách xã hội
PGS.TS Mai Anh Tuấn cho hay, ngoài việc giảm tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, giải pháp này còn giảm nguy cơ tiếp xúc với các giấy tờ khi bệnh nhân khai báo. Từ số liệu khai báo lưu trữ, sau một ngày có thể biết được bao nhiêu bệnh nhân đến khám, trong đó có bao nhiêu bệnh nhân nước ngoài, bao nhiêu bệnh nhân trong nước, tránh tiếp xúc trực tiếp và truy vết được bệnh nhân đã nhiễm.
Trong khi thế giới phải xác định sống chung với dịch Covid-19 thì những biện pháp như sàng lọc người tiếp xúc, khai báo y tế… có thể thay thế biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, khi phát hiện có người bị nhiễm Covid-19, thì ngay lập tức có thể xác định, cảnh báo, thông báo cho những người đã từng tiếp xúc với người này để tiến hành cách ly, theo dõi theo đúng quy trình. Hiện trên thế giới đã có những ứng dụng cho điện thoại thông minh được coi như một giải pháp để chấm dứt tình trạng phong tỏa và tái mở cửa nền kinh tế. Kỹ thuật số sẽ cho phép thiết bị di động có thể phát hiện một người đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh và gửi cảnh báo khi cần thiết. Ứng dụng sẽ sử dụng tín hiệu không dây Bluetooth của điện thoại để xác định người đó có đi lại gần với người nhiễm bệnh hay không. Từ đó ứng dụng sẽ gửi “cảnh báo” đến những ai đã có tiếp xúc gần gũi với người đã xác nhận bị nhiễm bệnh, để những người này tự giác cách ly.