Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 486.727 ca mắc COVID-19, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (232.585), Bình Dương (122.732), Đồng Nai (25.328), Long An (23.221), Tiền Giang (10.136).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.602 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 259.324
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.443 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.145
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.238
- Thở máy không xâm lấn: 176
- Thở máy xâm lấn: 858
- ECMO: 26
3. Số bệnh nhân tử vong:
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 962.340 xét nghiệm cho 1.306.892 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.347.523 mẫu cho 35.810.438 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 01/9 có 302.074 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.542.325 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.660.772 liều, tiêm mũi 2 là 2.881.553 liều.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 613.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 219,8 triệu ca, trong đó trên 4,55 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 130.000 ca), Ấn Độ (45.482 ca) và Anh (38.154 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.407 ca), Mexico (1.177 ca) và Nga (798 ca).
Như vậy, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong mới trong 24 giờ qua. Xét về tổng số ca tử đầu đại dịch, quốc gia này cũng có các số liệu cao nhất với trên 40,6 triệu ca mắc và trên 661.000 ca tử vong.
TP HCM: F0 khỏi bệnh chống dịch sẽ được tuyển dụng, trả lương
Thông tin tại buổi họp báo về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP HCM chiều 2/9 cho biết đến ngày 1/9, TP HCM đã tiêm được 6.225.960 mũi vaccine COVID-19, trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452, mũi 2 là 350.584. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 685.694.
TP đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương đối tượng này để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị.
Thông tin tại buổi họp báo, đại diện Sở Y tế TP HCM cho rằng Thành phố khi tuyển dụng người khỏi bệnh làm việc, cơ quan chuyên môn sẽ test ngay sau khi xuất viện khoảng 1 tuần, 1 tháng, đánh giá nồng độ kháng thể để bố trí phù hợp. Nếu kháng thể tốt thì Thành phố sẽ vận động tham gia vào công tác phòng chống dịch.
Theo Sở Y tế đánh giá lực lượng F0 khỏi bệnh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành y tế, có thể hỗ trợ điều dưỡng, khử khuẩn… để nhân viên y tế thực hiện công tác chuyên môn.
Bình Dương: Vận hành thêm bệnh viện dã chiến 2.000 giường
Ngày 2/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Bàu Bàng đã công bố đưa vào vận hành thêm bệnh viện dã chiến quy mô 2.000 giường đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại địa phương.
Khu điều trị dã chiến đặt tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng có diện tích trên 14.000 m2. Chỉ sau thời gian ngắn, đơn vị đã triển khai thành bệnh viện với quy mô 2.000 giường đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho người dân mắc COVID-19 tại huyện Bàu Bàng. Dự kiến bệnh viện này còn sẵn sàng "chia lửa" cho các "vùng đỏ" khác trong địa bàn tỉnh.
Đây là khu cách ly điều trị tốt, rộng rãi và thoáng mát; được thiết kế "vùng xanh", "vùng vàng" và "vùng đỏ" rất khoa học nhằm phân loại thu dung F0 ngay tại địa phương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, công tác thu dung điều trị của tỉnh hiện đã được sắp xếp lại ở cả 3 tầng điều trị nhằm hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong. Đặc thù của Bình Dương tập trung đông người lao động ở nhà trọ, nên việc xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến cho người lao động không có điều kiện cách ly tại khu trọ; qua đó kịp thời thu dung điều trị sớm bệnh nhân ngay khi xét nghiệm sàng lọc.
Thanh Hóa giãn cách thêm một huyện, xét nghiệm hơn 20.000 công nhân
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký quyết định thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 7 ngày, từ 18h ngày 2/9, trên phạm vi toàn huyện Hậu Lộc.
Theo đó, yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Người dân thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại điểm công cộng.
Huyện Hậu Lộc vừa ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 liên quan đến điểm dịch Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, TP Thanh Hóa.
Trước Hậu Lộc, Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 2 huyện Nông Cống, Nga Sơn và TP Thanh Hóa.
Theo CDC Thanh Hóa, ngày 2/9, thị xã Nghi Sơn ghi nhận 10 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 bệnh nhân liên quan đến người phụ nữ đi chăm sóc chồng tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. 5 bệnh nhân còn lại trong khu phong tỏa của bệnh viện này.
Thị xã Nghi Sơn đã huy động nhân lực y tế xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho hơn 20.000 người tại Công ty TNHH giày Annora Việt Nam, đóng trên địa bàn.
Từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa có 357 ca mắc COVID-19, trong đó 134 người đã được điều trị khỏi bệnh.