Tận dụng công nghệ sẵn có
GS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, có nhiều cách để tự sản xuất văcxin Covid-19, trong đó nhận chuyển giao công nghệ là con đường nhanh và ngắn nhất để chủ động nguồn văcxin cung ứng. Trong chuyển giao công nghệ, có nhiều bước và cách thức. Có thể chuyển giao toàn bộ dây chuyền sản xuất cũng như nguyên liệu, hoặc chỉ chuyển giao một phần, dạng như Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vaibiotech) đang làm là chỉ thực hiện đóng ống văcxin. Toàn bộ văcxin nguyên liệu Sputnik đều được phía Nga cung cấp.
Công nghệ cao hơn gia công đóng ống là nhập khẩu virus adeno tái tổ hợp. Sau đó nuôi virus trên tế bào rồi sản xuất theo công nghệ của nhà sản xuất sẽ cho ra dung dịch văcxin để đóng ống. Hầu hết các cơ sở văcxin của Việt Nam đều có công nghệ nuôi cấy tế bào. Khi được cung cấp virus tái tổ hợp thì Việt Nam sẽ sản xuất ngay được văcxin Covid-19. Có thể dễ hình dung hơn là phía chuyển giao công nghệ sẽ cung cấp tế bào, phía sản xuất văcxin sẽ nuôi tế bào này, cho nhiễm virus vào, thu hoạch dịch của nó và thực hiện các công đoạn cho ra văcxin. Hiện AstraZeneca đã cung cấp nguyên liệu sản xuất văcxin cho Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… để sản xuất văcxin Covid-19 theo hình thức cung cấp virus tái tổ hợp.
Còn ở Việt Nam hiện nay có 4 đơn vị chính sản xuất văcxin cho người là Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vaibiotech), Công ty TNHH Một thành viên Văcxin Pasteur Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất văcxin và sinh phẩm Y tế (Polyvac), Viện Văcxin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang (IVAX). Các đơn vị này đều đang có sẵn dây chuyền sản xuất văcxin rất hiện đại, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ sản xuất văcxin Covid-19. Công đoạn này giúp chủ động được nguồn văcxin trong nước.
Khó nhất là tạo ra virus tái tổ hợp
Theo chuyên gia đầu ngành về sản xuất văcxin, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên, mấu chốt của công nghệ sản xuất văcxin Covid-19 là khâu tạo ra virus tái tổ hợp. Việc tiếp nhận công nghệ sản xuất văcxin đối với Việt Nam không có gì khó khăn. Còn công nghệ làm ra virus tái tổ hợp là khâu khó nhất, thì cần nhiều thời gian để tiến hành thử nghiệm. Bởi để tiêm cho người thì phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí tạo ra protein tạo ra tính sinh miễn dịch để phòng chống dịch bệnh Covid-19 và an toàn tuyệt đối với cơ thể người là quan trọng nhất. Virus đó khi đưa vào cơ thể người phải an toàn, tạo ra đáp ứng miễn dịch tốt.
Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại văcxin từ lâu như văcxin bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản, cúm, sởi, rubella… Công đoạn dây chuyền đã được chủ động hết, hoàn toàn có thể ứng dụng để sản xuất văcxin Covid-19.
Theo các chuyên gia, nếu có vật liệu làm văcxin (virus gì, tái tổ hợp gì, tế bào gì?) thì khả năng tự sản xuất văcxin Covid-19 ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi, dễ triển khai. Dùng tế bào nào để nhân lên virus ấy, sau đó sản xuất ra văcxin. Rất nhiều loại văcxin của Việt Nam đã thực hiện công đoạn như vậy. Việc nghiên cứu làm chủ quy trình từ khâu sản xuất virus đến các công đoạn khác, sở dĩ mất nhiều thời gian là bởi phải chắc chắn về 2 yếu tố hoạt lực bảo vệ và tính an toàn trên số đông người tình nguyện.
Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển văcxin phòng Covid-19. Văcxin Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Nanogen đã đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ứng viên còn lại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là Covivax của Viện Văcxin và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Văcxin đang được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu sang giai đoạn 2.