Tìm đường sống chung với dịch
Theo ông Dương, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này so với những đợt dịch xảy ra trước kéo dài hơn và phức tạp hơn, cả về quy mô cũng như tốc độ lây lan.
Tuy nhiên, trải qua 3 đợt dịch trước, Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch, từ đó có sự “uyển chuyển” để thích ứng và đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Cụ thể, các chính sách phòng chống dịch Covid-19 cũng đã có sự khác biệt đáng kể. Việc giãn cách chỉ thực hiện ở những phạm vi cần thiết để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi tới nền kinh tế.
Ngay cả khi dịch xuất hiện tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cách thức phòng chống dịch càng phát huy hơn sự linh hoạt, hiệu quả.
Ví dụ, đối với các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là những địa bàn sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất liên quan đến công thương, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại hai địa phương. Nhiều nhà máy được cân nhắc, cho phép mở cửa hoạt động trở lại, vừa chống dịch vừa sản xuất, thay vì phải đóng cửa hoàn toàn cho đến khi dịch được kiểm soát.
Hay như tỉnh Bắc Giang dù trong tâm dịch vẫn nỗ lực tiêu thụ nông sản (vải thiều) của tỉnh trong khắp cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài, với giá bán không thay đổi trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo chất lượng nông sản.
Chính nhờ mạnh dạn hơn trong cách tiếp cận linh hoạt đối với thực hiện “mục tiêu kép”, doanh nghiệp và địa phương ít chịu gián đoạn chuỗi cung ứng, qua đó giảm tác động bất lợi về kinh tế.
Một yếu tố cũng rất đáng quan tâm chính là sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp. Ngoài việc chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh mới để chủ động phòng chống dịch và thích nghi trong sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực đối thoại và kiến nghị với Chính phủ, với không ít đề xuất quan trọng.
Chẳng hạn, nổi bật trong thời gian qua là việc một số doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) đã kiến nghị Chính phủ cho phép họ chủ động được nhập văcxin phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động của chính họ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần có những bước đi như thế nào để tận dụng được các cơ hội phát triển?
Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ cần cân nhắc những kịch bản khác nhau, với lộ trình điều hành và cải cách phù hợp trong thời gian tới. Lộ trình ấy có thể bao gồm ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên, trước khi bảo đảm nguồn cung văcxin Covid-19 để thực hiện tiêm chủng rộng rãi, cần có những chính sách hỗ trợ ở mức hợp lý để giúp các doanh nghiệp trụ vững qua giai đoạn khó khăn.
Giai đoạn thứ hai sẽ gắn với đà phục hồi của cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp; khi đó, Chính phủ cần những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, quy mô lớn hơn cả về tài khóa và tiền tệ dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Những hỗ trợ này sẽ “cộng hưởng” với nỗ lực của doanh nghiệp để tạo sức bật phục hồi mạnh mẽ hơn.
Khi doanh nghiệp đã phục hồi cơ bản, lộ trình chính sách sẽ chuyển sang giai đoạn thứ ba: giảm dần các giải pháp hỗ trợ và tiếp tục giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, đây vẫn là câu chuyện của một vài năm tới.
Nhưng xuyên suốt các giai đoạn, duy trì cải cách thể chế, đặc biệt là các cải cách liên quan đến môi trường kinh doanh cũng như gỡ bỏ các thủ tục rào cản, các quy định bất hợp lý, gây ra tổn phí không cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng giúp giảm bớt khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Quan trọng hơn, những cải cách ấy mang lại doanh nghiệp cảm giác Chính phủ đang đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, yêu cầu không chỉ là “tự cứu trước khi được cứu”, mà phải chủ động thích ứng.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tái cơ cấu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Doanh nghiệp khó có thể thích ứng và phát triển hiệu quả nếu cứ trông chờ tình hình sẽ được trở lại như cũ sau khi hết dịch, để họ tiếp tục trở lại cách làm “cũ”. Thực tế cho thấy ở những đợt dịch vừa qua, những doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi càng nhanh, càng triệt để, thì càng thích ứng nhanh hơn và ít bị ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh hơn.
Đón cơ hội, lường trước rủi ro lạm phát
Ngoài ra, để tìm kiếm thêm cơ hội, doanh nghiệp có thể cân nhắc những xu hướng mới mà Chính phủ cũng đang tiếp cận và thúc đẩy, gắn với kinh tế số, hoặc một số nội dung mới như kinh tế tuần hoàn...
Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như CPTPP, EVFTA và có thể sắp tới là RCEP, nhưng không nên tách rời với các mô hình kinh tế mới.
Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tìm hiểu các kênh bán hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử. Nhờ đó, họ không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà họ còn có thể tiếp cận được với khách hàng quốc tế, tăng cường xuất khẩu trong điều kiện đã có những FTA. Thương mại điện tử đã được lưu tâm khá nhiều trong những năm trước, nhưng đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhận ra họ không thể “chần chừ” đối với kênh thương mại điện tử.
Tuy nhiên, với việc nới lỏng tài khóa – tiền tệ quy mô lớn trong năm 2020, Việt Nam có khả năng phải đối diện với áp lực lạm phát. Ở giác độ khác, lạm phát hiện được nhiều nền kinh tế lưu tâm hơn, chứ không riêng Việt Nam, đặc biệt sau khi các nước đều đã thực hiện các biện pháp nới lỏng tài khóa - tiền tệ.
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng đầu năm chưa đáng lo ngại nhiều, CPI bình quân 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ 2020. Kết quả này còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu cả năm (tăng dưới mức 4%). Có thể thấy, áp lực lạm phát đối với Việt Nam nhìn chung chưa phải là lớn như các nước khác.
Chúng ta đã có kinh nghiệm “xương máu” từ việc ứng xử với lạm phát trước, trong và sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Theo đó, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, đã có những giải pháp thận trọng gắn với khung chính sách bài bản nhằm việc xử lý hiệu quả áp lực lạm phát.
Cũng phải nói rằng, so với nhiều nước khác, Việt Nam có một điểm tương đối thuận lợi, đó là giữ được đà cải cách, đặc biệt là liên quan đến môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh hay là lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Những cải cách này tập trung về phía cung của nền kinh tế. Qua đó, cùng với quá trình phục hồi thì thì áp lực lạm phát đối với Việt Nam sẽ không đáng lo ngại như ở nhiều nước khác.
"Điểm quan trọng là đà phục hồi của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào trong điều kiện hạn chế được lạm phát? Cá nhân tôi hy vọng, với kịch bản dịch bệnh sớm được kiểm soát, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi rõ nét hơn kể từ Quý III năm nay. Khi đó, chúng ta kỳ vọng mức tăng trưởng trên 6% cho cả năm, tạo nền tảng cho phục hồi mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo", ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.