Ô nhiễm trong nhà tăng báo động
Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng sản xuất, sử dụng nội thất gỗ công nghiệp và những tác động đến chất lượng không khí trong nhà (IAQ)” sáng ngày 24/10, các diễn giả đã chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm: khí radon từ vật liệu xây dựng, khí phát tán từ việc đốt cháy nhiên liệu trong bếp, lò vi sóng, từ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ các sản phẩm ví dụ như mỹ phẩm và chất tẩy rửa, các chất gây nhiễm khuẩn sinh học từ con người, vật nuôi, cây cảnh và đặc biệt là Formadehyde từ các sản phẩm gỗ ép như đồ nội thất, cửa…
“Những loại sàn gỗ có giá cực rẻ, mặt gỗ bóng loáng, không ghi rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ… thì không nên mua. Tốt nhất là mua sàn gỗ của các doanh nghiệp trong nước, có địa chỉ rõ ràng”, PGS.TS Trần Hồng Côn.
Viện Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu tại 6 văn phòng trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội. Các tòa nhà này đều được xây dựng sau năm 2008, có kết cấu kín, sử dụng hệ thống thông gió điều hòa trung tâm.
Kết quả cho thấy nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860ppm (nơi cao nhất là 940ppm), nồng độ formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), nồng độ ozon là 0,067ppm (cao nhất là 0,091ppm), nồng độ các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3, các chỉ tiêu sinh vật như tổng nấm là 1285Sl/m3… Các kết quả này đều vượt quá mức độ cho phép.
TS.Trịnh Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Vật liệu xây dựng hữu cơ và Hóa phẩm xây dựng, Viện vật liệu xây dựng cho biết, Formaldehyde là chất cực độc có trong keo gắn gỗ dùng trong chế biến gỗ nhân tạo (gỗ công nghiệp). Formaldehyde có thể tồn dư trong các sản phẩm gỗ nhân tạo và phát tán ra không khí trong quá trình sử dụng.
Hiện Việt Nam mới đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ. Trước đó, trong quy chuẩn Việt Nam 06/2009 đã quy định nồng độ formaldehyde tối đa cho phép tồn tại trong không khí xung quanh trong vòng 1 giờ là 20 microgam trong 1m3. Quy định là vậy nhưng dường như chưa có sự kiểm soát cho vấn đề này.
Gỗ kém chất lượng mới đáng lo
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, với loại sàn gỗ được làm đúng theo quy trình nguyên liệu đảm bảo thì không đáng lo. Vấn đề là trên thị trường có rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh sàn gỗ khác nhau với nhiều mức giá chênh nhau.
Loại sàn gỗ giá rẻ, được làm từ nguyên liệu rẻ tiền, sử dụng các loại keo phối trộn trôi nổi không rõ nguồn gốc… chính là thủ phạm gây ra tình trạng trên, làm phôi nhiễm các chất độc hại vào không khí. Việc phân biệt bằng mắt thường là rất khó.
Sản phẩm sàn gỗ nhân tạo có một phần lớn khối lượng được làm bằng ván HDF (High Density Fiberboard = bột gỗ ép có tỷ trọng cao), chất này phải sử dụng keo kết dính trong quá trình sản xuất và keo có chứa một chất độc là formaldehyde.
Hít thở phải formaldehyde có thể gây ra kích thích mắt và màng nhầy, làm chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở. Với loại sàn gỗ đạt chuẩn, lượng Formaldehyde sẽ ở mức nhỏ, không gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra khi lắp đặt, các khớp nối khít với nhau, Formaldehyde sẽ khó thoát lên phía trên.
Theo các chuyên gia, muốn mua được sản phẩm sàn gỗ có chất lượng tốt, phải tìm những nhà cung cấp có uy tín hoặc nhờ người có chuyên môn cùng đi để khảo sát cẩn thận, không nên ham rẻ kẻo bị nhầm mua trúng hàng nhái hàng giả.
Khi mua sản phẩm sàn gỗ cần phải dùng keo dán hay sơn phủ, trong khi lắp đặt thì người tiêu dùng cần phải yêu cầu bên thi công phải sử dụng những loại keo hay sơn bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, tốt nhất là yêu cầu nhà cung cấp phải cho xem những bảng thông tin an toàn hóa chất của keo và sơn.
Bảo Khánh