Sâm đất tốt cho người miệng khô khát

(khoahocdoisong.vn) - Thổ cao ly sâm, thổ sâm, sâm đất hay thổ nhân sâm thường dùng củ. Sâm đất vị ngọt, tính bình, vào tỳ, phế, tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế sinh tân. Chủ trị suy nhược, người ốm yếu, ra nhiều mồ hôi, miệng khô khát, tỳ hư sinh tiêu lỏng, phế hư ho phổi ráo, đái dầm, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa.

Để làm thuốc nên chọn loại củ sau một năm thu hoạch nhưng tốt nhất là sau 3 năm, khi củ già, còn tươi rửa sạch, nếu dùng ngay cắt rễ con, bỏ đầu, để cả vỏ thái miếng, sấy nhẹ lửa (60 - 70 độ C) cho khô. Nếu để lâu, đồ chín, bỏ rễ con, thái miếng, sấy nhẹ lửa cho khô. Khi dùng, tẩm nước gừng hay không tuỳ đơn của lương y. Lúc mới đào, rễ có màu hồng đẹp, đem phơi hay sấy khô và để lâu sẽ có màu đen xám. 

Chữa sau khi ốm, cơ thể hư nhược, nhọc mệt gầy yếu, kinh nguyệt không đều: Dùng mỗi lần 40 - 80g củ tươi. Sắc uống doặc dùng 20 - 30g củ, phối hợp với các vị thuốc khác.

Trị ho khan, không có đàm, phế âm hư: Thổ cao ly sâm 12g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, bách hợp 12g, bối mẫu 12g, sắc uống ngày 1 thang.

Trị tiêu khát, miệng khô khát (tiểu đường): Thổ cao ly sâm 20g, thái tử sâm 16g, sinh địa 12g, sơn dược 20g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 12g sắc uống.

Chữa chứng ho khan do phế nhiệt: Thổ cao ly sâm 20g, tang bạch bì 12g, phục linh 12g, mạch môn 12g, trần bì 10g, cát cánh 8g, cam thảo 3g, đại táo 3 quả sắc uống.

Chữa táo bón: Thổ cao ly sâm lá, rau đay, mùng tơi vừa đủ nấu canh cua ăn thường xuyên.

Các bài thuốc trên không dùng cho người nhiễm hàn tà, tiêu chảy.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám Đa khoa Thiên Nam)

Theo VietnamDaily
back to top