Sâm đại quang không phải là sâm

(khoahocdoisong.vn) - Gần đây nhiều thông tin quảng cáo sản phẩm có tên sâm đại quang trong một số sản phẩm, với nhiều tính năng ưu việt. Tuy nhiên, về mặt khoa học, đây không phải là một loại sâm.

GS.TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, gần đây, một số người truyền tai nhau về các công dụng "thần diệu" của cây sâm đại quang, như chữa được bệnh đại tràng, xơ gan, gan nhiễm mỡ, mỡ máu, mắt mờ và tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, tiền đình, huyết áp thấp, tăng cường sinh lý nam, làm đẹp da cho phụ nữ, tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch… và chống ung thư (!). Thực tế, cây sâm đại quang như quảng cáo ở các bài thuốc trên mạng thuộc chi Chút chít (Rumex), họ Rau răm (Polygonaceae). Chi Rumex ở Việt Nam có 7 loài. Loài chút chít lá nhăn khá phổ biến ở Việt Nam, mọc nơi ẩm ướt ở ven rừng, khe núi, ven suối, ven đường, bãi sông… phân bố ở Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng, Cần Thơ. Loài này còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Indonesia, châu Âu, Bắc Phi và châu Mỹ. Nó không có họ hàng gì với các loài Sâm trong chi Panax, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) và tất nhiên cũng không thể có chất ginsenosid.

Hiện nay, trên thị trường dược liệu có sự lạm dụng từ “Sâm” khá phổ biến, gây ra sự hiểu nhầm đáng tiếc. Người tiêu dùng không nên tin tưởng vào những lời đồn thổi và cả một số bài báo thiếu căn cứ khoa học, nhất là đối với cây làm thuốc có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.

Theo Đời sống
back to top