Sai phạm tại Đại học Đông Đô: Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT ở đâu?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều cơ sở của trường Đại học Đông Đô có hoạt động dạy và học, nhưng chưa được Bộ GD&ĐT thẩm định. Trường đại học này cũng liên tục mở các mã ngành HOT trong khi hồ sơ chưa hoàn thiện, nhưng vẫn được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, mã ngành Quản trị Kinh doanh là một điển hình.

Trụ sở là một ẩn số?

Trường ĐH Đông Đô được thành lập năm 1994 với tên đầy đủ ban đầu là trường ĐH Dân lập Đông Đô. Năm 2017, ông Trần Khắc Hùng nhận chuyển nhượng cổ phần từ hội đồng nhà trường cũ và trở thành Chủ tịch HĐQT mới. Trường có 3 đơn vị trực thuộc gồm Viện Khoa học Xã hội và Đổi mới Sáng tạo, Viện giáo dục DUNI Thành Phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH in Đông Đô.

Trên trang thông tin của trường ĐH Đông Đô cho biết, trường có trụ sở chính tại km25, Quốc lộ 6, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Cơ sở 1 tại số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội, Cơ sở 2  tại Tòa nhà Viện Âm nhạc, đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, dù có thông tin này, nhưng thực sự trụ sở của trường ĐH Đông Đô ở đâu, thì vẫn là một ẩn số. Cụ thể, theo thông tin từ cục thuế Hà Nội, thì trụ sở của trường ĐH Đông Đô tại Tầng 5 Tòa nhà 60B, Phố Nguyễn Huy Tưởng - Phường Thanh Xuân Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội. Đây là tầng thương mại thuộc Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV-VINAPHARM  của Cổ phần Vinaconex 39.

Theo Cục thuế Hà Nội, nơi nhận thông báo thuế của ĐH Đông Đô là T.1 tòa nhà Trung tâm Đào tạo CNTT & TTHN số 1 Hoàng Đạo Thuý -  Quận Cầu Giấy - Hà Nội. 

Còn Theo hợp đồng số DIC.BĐDN.371.211117 ngày 24/11/2017 giữa ngân hàng Ngân Hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Thăng Long với trường ĐH Đông Đô, thì địa chỉ trường lại ở tại Số 170 phố Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch , Cầu Giấy , Hà Nội.

Theo hợp đồng này, trường ĐH Đông Đô đã thế chấp: Toàn bộ các quyền tài sản và lợi ích phát sinh theo Hợp đồng mua bán sàn dịch vụ thương mại số 178/PVV- VINAPHARM/HĐMB ngày 27/10/2017 được ký giữa Bên bảo đảm với Công ty CP Vinaconex 39, bao gồm các phụ lục, các chứng từ, giấy tờ khác kèm theo, hợp đồng sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho hợp đồng đã được ký kết (thuộc dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở chung cư PVV-VINAPHARM tại địa chỉ: Số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội ). Nghĩa là, địa chỉ này chắc chắn chỉ có sau thời điểm 10/2017.

Trụ sở trường tại Km25, Quốc lộ 6, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội cho Trung tâm đào tạo lái xe thuê.

Trụ sở trường tại  Km25, Quốc lộ 6, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội cho Trung tâm đào tạo lái xe thuê.

Như vây, ĐH Đông Đô có những địa chỉ nào được Bộ GD&ĐT thẩm định về cơ sở vật chất, cấp phép cho hoạt động dạy và học? Có lẽ, chỉ có Vụ giáo dục Đại học thuộc  Bộ GD&ĐT mới nắm rõ?

Trở lại địa chỉ tại Km25, Quốc lộ 6, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội được trường ĐH Đông Đô công khai thông tin. Thì trước đây cũng là cơ sở đào tạo của trường Trung cấp nghề Việt Hàn. Sau khi ĐH Đông Đô mua lại toàn bộ cở sở vật chất chuyển địa điểm khai báo về địa chỉ này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tất cả các hoạt động dạy và học của trường ĐH Đông Đô đều diễn ra ngoài địa chỉ này. Hiện tại, cơ sở này được ĐH Đông Đô cho một trung tâm đào tạo lái xe ô tô thuê cho học sinh tập lái.

Bộ GD&ĐT có “nuông chiều”?

Sau khi ông Trần Khắc Hùng tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Đô, hàng loạt các mã ngành đào tạo đã được vị Chủ tịch này làm thành đề án, và được Bộ GD&ĐT đồng ý giao đào tạo.

Theo ghi nhận, trường ĐH Đông Đô có 23 khoa, ngành đào tạo trình độ Đại học hệ Chính quy và 07 chuyên ngành đào tạo trình độ Sau Đại học. Tuy vậy, phân nửa mã ngành được mở sau ngay sau khi ông Trần Khắc Hùng tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT. Có thể liệt kê những mã ngành HOT như: Luật Kinh tế, Tài chính Ngân hàng, Quản lý Nhà nước, Bác sỹ Thú y, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Dược sỹ, Điều dưỡng, Ngôn ngữ Nhật...

Ấn tượng hơn, ngày 17/11/2017, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 4886/QĐ-BGDĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, cho phép ĐH Đông Đô được đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh . Theo quy trình, trước khi Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, toàn bộ hồ sơ đề nghị của trường phải được thẩm định năng lực phải trải qua khâu kiểm tra, thẩm định của Vụ Giáo dục Đại học do bà Nguyễn Thị Kim Phụng làm Vụ trưởng.

Quyết định cho phép ĐH Đông Đô đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Quản trị kinh doanh khi còn “nợ” Tạp chí khoa học.

Để bảo vệ thành công và nhận được sự tin tưởng từ Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo trình độ Tiến sĩ,  trường ĐH Đông Đô cần đảm bảo nhiều điều kiện không dễ đáp ứng.

Đơn cử: Trường phải có ít nhất 01 giáo sư và 3 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ hoặc 02 phó giáo sư và 3 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ là giảng viên cơ hữu ngành đúng hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, và không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác. Trong đó có ít nhất 01 giáo sư hoặc phó giáo sư đúng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội...;

Có thư viện truyền thống với nguồn thông tin tư liệu đủ để nghiên cứu sinh tra cứu khi thực hiện đề tài luận án như sách, giáo trình, tạp chí khoa học trong và ngoài nước được cập nhật trong 5 năm tính đến ngày đề nghị mở ngành. Có thư viện điện tử với bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu liên quan đến ngành đăng ký đào tạo hoặc được kết nối với các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực, cùng ngành đào tạo ở trong và ngoài nước để sử dụng chung cơ sở dữ liệu cho ngành đăng ký đào tạo...;

Đặc biệt, phải có Tạp chí khoa học công nghệ riêng của cơ sở đào tạo.

Theo ghi nhận, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đông Đô của Trường Đại học Đông Đô được Bộ TT&TT cấp Giấy phép số 643/GP-BTTTT ngày 25/12/2017. Tuy nhiên, Quyết định số 4886/QĐ-BGDĐT được ký trước đó, từ ngày 17/11/2017. Nói cách khác, tại thời điểm thẩm định, ĐH Đông Đô chưa đủ điều kiện được đào tạo bậc tiến sĩ. 

Lưu ý là, ngày 25/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 1448/QĐ-TTg về việc kéo dài thời gian công tác của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga được kéo dài thời gian công tác sau khi hết tuổi làm công tác quản lý từ ngày 1/12/2017, để giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại ĐH Đà Nẵng theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ.

Theo Đời sống
back to top