Doanh nghiệp “xé rào”
Theo phản ánh, năm 2013, huyện Thanh Liêm thu hồi đất khu vực Khe Non để bàn giao cho Công ty CP xi măng Xuân Thành để khai thác đất sét phục vụ sản xuất xi măng. Đến năm 2014, Công ty bắt đầu đưa máy móc vào tiến hành khai thác đá sét tại mỏ Khe Non 2.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty CP xi măng Xuân Thành không đảm bảo các tiêu chuẩn trong vận tải, gây ô nhiễm môi trường, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Hàng ngày, hàng loạt xe cơi nới thành thùng mang logo của Tập đoàn Xuân Thành hoạt động liên tục, chở đá, sét từ mỏ về đến Công ty. Người dân cho biết, hầu hết các xe không được che chắn, nếu có che thì cũng sơ sài, khiến vật liệu rơi vãi khắp đường, gây bụi mù mịt và ô nhiễm môi trường...
Cận cảnh khu vực khai thác của Công ty CP xi măng Xuân Thành |
Được biết, ngày 29/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 780/GP-BTNMT cho phép Công ty CP xi măng Xuân Thành khai thác bằng phương pháp lộ thiên đá sét xi măng Khe Non 2 thuộc các xã Thanh Hương, Liêm Sơn và xã Thanh Lưu, nay là thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm, Hà Nam). So về thời gian, giấy phép này được cấp 5 năm sau khi công ty đã khai thác tại mỏ này.
Theo đó, khu vực khai thác của Công ty CP xi măng Xuân Thành có diện tích là 74,5ha chia làm 3 khu vực (trong đó, khu I: 52,7ha, khu II: 2,4ha và khu III: 19,4ha). Mức sâu khai thác của khu I và khu III là -15m, khu II là -5m. Công ty CP xi măng Xuân Thành được phép khai thác với trữ lượng là 30.847.646 tấn đá sét (khu I là 22.479.390 tấn; khu II là 385.064 tấn và khu III là 7.983.192 tấn). Công suất khai thác năm đầu là 250.346 tấn đá sét, từ năm thứ 2 đến năm thứ 26 là 1.202.102 tấn đá sét/năm và năm cuối là 544.760 tấn đá sét.
|
Về thời hạn khai thác là 27 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản. Giấy phép ghi rõ: “Trước khi tiến hành khai thác, Công ty CP xi măng Xuân Thành phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Hà Nam để kiểm tra thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khi khai thác xong".
Cùng với đó, Công ty CP xi măng Xuân Thành phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đáng chú ý, giấy phép khai thác khoáng sản mà Công ty CP xi măng Xuân Thành được cấp có hiệu lực từ ngày 29/3/2019, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản và phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng. Như vậy, ít nhất phải đến ngày 29/3/2020, Công ty CP xi măng Xuân Thành mới được phép bắt đầu tiến hành khai thác tại khu vực Khe Non 2 nếu như Công ty này đã đăng ký xây dựng cơ bản cùng ngày được cấp phép.
Doanh nghiệp "đồng hành" cùng chính quyền?
Trao đổi với PV về dấu hiệu sai phạm của Công ty CP xi măng Xuân Thành, đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Tân Thanh (xã Thanh Lưu cũ) cho biết: “Việc khai thác đá sét của Công ty CP xi măng Xuân Thành tại khu vực xã Thanh Hương đã diễn ra từ lâu chứ không phải gần đây. Vừa qua, nếu không có phản ánh của người dân và báo chí thì chúng tôi cũng không nắm được họ đang khai thác sang phạm vi núi của Thanh Lưu, bởi họ không khai thác mặt ngoài nên gần như không phát hiện được”.
“Khi có phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã liên hệ với phía Công ty CP xi măng Xuân Thành yêu cầu xuất trình các văn bản liên quan đến việc cho phép khai thác trên. Đối với việc Công ty CP xi măng Xuân Thành có khai thác trước so với giấy phép, chưa đủ thời hạn khai thác theo quy định được khai thác, địa phương cũng đã báo cáo lên trên để xin ý kiến. Còn UBND thị trấn cũng “chưa dám” làm công tác dừng hoạt động khai thác và mới có báo cáo với UBND huyện Thanh Liêm, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể” – đại diện UBND thị trấn Tân Thanh thông tin thêm.
|
Tiếp tục làm rõ với cơ quan chức năng cao hơn, sau một vòng liên hệ, PV được tiếp xúc với đại diện của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm. Tuy nhiên, thay vì cung cấp thông tin đúng quy trình, vị này lại “gợi ý” luôn: “Lãnh đạo huyện cũng đã trao đổi, liên hệ hết rồi. Nói thật với anh, huyện cũng làm việc với Công ty Xuân Thành rồi, chỗ anh Bắc là phó giám đốc công ty phụ trách trực tiếp mảng truyền thông này. Các anh đến liên hệ thì bọn em sẽ cung cấp số điện thoại của anh Bắc, các anh liên hệ trực tiếp làm việc với công ty, anh Bắc sẽ đón tiếp các anh ở dưới đấy”.
Đến đây, có thể thấy rất rõ Công ty CP xi măng Xuân Thành đã được huyện Thanh Liêm “tin tưởng” như thế nào, khi công tác truyền thông Công ty này cũng được đồng hành cùng cơ quan chức năng huyện Thanh Liêm chung tay xử lý. Vậy còn những gì mà Công ty CP xi măng Xuân Thành đang đồng hành cùng huyện Thành Liêm? Đó chính là nội dung Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục ghi nhận và thông tin tới bạn đọc.