Sacombank đã vội bán KCN Phong Phú như thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - UBND TPHCM đã chỉ đạo tạm ngưng đấu giá để thanh tra dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Phong Phú do Sacombank "bắt nợ" từ ông Trầm Bê.

UBND TPHCM yêu cầu thanh tra Dự án KCN Phong Phú.

Di sản “phải” dọn nhanh

Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) do Công ty CP KCN Phong Phú là chủ đầu tư. Về sở hữu, công ty này do Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) nắm 70% vốn điều lệ. Sau đó BCCI chuyển nhượng phần vốn này sang Saigonnic. Cả BCCI và Saigonnic đều là doanh nghiệp của ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam và sau đó là Sacombank – người hiện đang thụ án và là bị can trong loạt vụ án liên quan tới Ngân hàng Xây dựng, BIDV…

Năm 2014, Công ty CP KCN Phong Phú dùng 120ha/134ha đất tại KCN Phong Phú thế chấp để bảo đảm khoản vay 4.500 tỷ đồng cho bên thứ 3. Có tin bên thứ 3 là doanh nghiệp có liên quan tới ông Trầm Bê. Và khoản vay này được sử dụng cho cam kết về tài chính của ông Trầm Bê khi trở thành lãnh đạo tại Sacombank. Thông tin này hiện chưa xác thực.

Sau này, khi ông Trầm Bê bị bắt vào tháng 8/2017, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Sacombank - cho biết: “Trước khi rời khỏi Sacombank và bị bắt giữ vào ngày 1/8, ông Trầm Bê từng giữ vị trí PChủ tịch HĐQT Sacombank nên theo luật định, bản thân ông Bê cùng những cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến ông Bê đều không được vay vốn tại ngân hàng này. Do đó, khoản “nợ của ông Trầm Bê tại Sacombank” thực chất là các khoản nợ do các tổ chức và cá nhân vay vốn mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý. Việc ông Trầm Bê bị bắt giữ, theo cơ quan điều tra, cũng chỉ liên quan đến những sai phạm trong hoạt động cho vay dẫn đến thất thoát tài sản tại Ngân hàng Xây dựng, chứ Sacombank không bị thiệt hại gì”.

Cũng ông Dương Công Minh khẳng định, “việc ông Trầm Bê bị bắt không ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ. Bởi toàn bộ các khoản cho vay đều có tài sản đảm bảo trị giá cao hơn số tiền vay, thậm chí cao hơn nhiều giá trị khoản vay, với đầy đủ giấy tờ hợp lệ và khả năng thanh khoản hiện nay rất tốt”.

Thông tin bổ sung, giai đoạn trước và sau năm 2013, có nhiều cá nhân, ngân hàng đã thâu tóm và nắm giữ cổ phần Sacombank. Trong đó, LienVietPostBank – khi đó đang do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT - đã nắm tới 5% vốn điều lệ Sacombank. Có thông tin cho rằng LienVietPostBank cũng từng bảo lãnh cho 5 cá nhân vay vốn mua cổ phần Sacombank.

Khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ông Trầm Bê buộc phải rút lui khỏi vị trí lãnh đạo ngân hàng này, để sau đó bị bắt vào tháng 8/2017. Tháng 6/2017, ông Dương Công Minh đã xuất hiện vào phút chót, nhưng vẫn kịp được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, với kỳ vọng rất lớn sẽ thực hiện sứ mệnh “dọn dẹp” di sản nợ của ông Trầm Bê. Ông Dương Công Minh xem đây là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất, cần làm ngay tại Sacombank. Có thể thấy ông Dương Công Binh khá gấp gáp triển khai nhiệm vụ này.

Và vội

Ngay sau khi ông Dương Công Minh nhận chức chủ tịch HĐQT, trong năm 2017, 2018, Sacombank đã bán loạt khu đất và KCN tại Long An, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, với giá trị lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, nhiều tài sản trong số đó có liên quan tới sở hữu của ông Trầm Bê.

Tháng 9/2018, theo ủy quyền của Sacombank, Công ty CP Dịch vụ đấu giá Toàn Cầu thông báo bán đấu giá quyền sử dụng 11 bất động sản do ngân hàng này đã “bắt nợ”. Tổng giá trị 11 bất động sản này lên tới 10.040 tỷ đồng. Trong đó, 120ha đất và tài sản trên đất tại dự án KCN Phong Phú chiếm phần lớn nhất, với giá khởi điểm gần 7.601 tỷ đồng.

Tới ngày 20/10/2018, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phát (cổ đông chiếm 23% cổ phần Công ty CP KCN Phong Phú) và bà Trần Thị Thủy (từng là đại diện của Hoa Phát trong HĐQT Công ty CP KCN Phong Phú) phát đơn cáo buộc ủy quyền giữa Sacombank và đơn vị đấu giá đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Cụ thể là chỉ căn cứ vào một văn bản duy nhất là Biên bản họp HĐQT Công ty CP KCN Phong Phú. Trong khi chữ ký bà Thủy tại biên bản họp này là giả mạo. Đại diện Công ty Hoa Phát cũng khẳng định chưa bao giờ được thông báo về việc KCN Phong Phú đã bị sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Đồng thời, cả UBND xã Phong Phú và UBND huyện Bình Chánh đều cho biết KCN này chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nên việc Sacombank bán dự án này có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi, gây bức xúc cho hàng trăm gia đình chưa được bồi thường, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người.

Trong một diễn biến khác, liên tục trong 2 ngày 24 và 25/10/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp phát công văn, đề nghị đơn vị tổ chức và Sacombank thận trọng, cân nhắc tạm dừng đấu giá tài sản nói trên, không để khiếu nại, khiếu kiện, nguy cơ trở thành điểm nóng tiếp theo về đất đai tại TPHCM.

Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đề nghị đơn vị tổ chức báo cáo bằng văn bản quá trình thực hiện đấu giá và photo (có đóng dấu xác nhận, lập danh mục) toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc đấu giá tài sản và quyền tài sản phát sinh từ đền bù 134ha diện tích Dự án KCN Phong Phú..., gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 2/11/2018.

Gần 3 tháng sau đề nghị (từ 30/11/2018) của Thanh tra thành phố, tới ngày 26/2/2019, UBND TPHCM phát văn bản chỉ đạo thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện Dự án KCN Phong Phú. Chỉ đạo này yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. UBND TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất việc tạm ngưng bán đấu giá khu đất thuộc Dự án KCN Phong Phú.

Như vậy, đã xuất hiện tình tiết KCN Phong Phú bị thế chấp khi chưa xong giải phóng mặt bằng, vi phạm pháp luật về cho vay. Và, với việc cổ đông nắm 23% vốn điều lệ tố cáo bị giả mạo chữ ký trong xử lý nợ KCN Phong Phú, cũng nên đặt câu hỏi, vì sao Sacombank phải đẩy sự gấp gáp tới “cấp độ” nóng vội, khi xóa sạch di sản Trầm Bê tại ngân hàng này?

Theo Đời sống
back to top