Mổ cấp cứu ngay khi nhập viện cứu được cả mẹ và con
Khoảng 4h sáng ngày 26/7/2020 chị N.T.N. (35 tuổi Thạch Thất, Hà Nội) mang thai lần 3, thai 38 tuần tuổi, bị vỡ ối, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Khoa Sản, Bệnh viện Thạch Thất. Sau khi thăm khám, BSCKI Phan Mạnh Tiến phát hiện sản phụ trong tình trạng ối vỡ, sa dây rau, tim thai đập rất yếu, mẹ và bé đều ở trong tình trạng rất nguy kịch nên quyết định mổ cấp cứu. Trong khi đẩy sản phụ lên phòng mổ, nữ hộ sinh đã phải dùng tay đẩy cố định ngôi thai không cho tì vào dây rau.
Ca mổ đã tiến hành khẩn trương, kịp thời, em bé được cấp cứu hồi sức sơ sinh ngay sau đẻ. Sau 10 phút bé hồng hào, phản xạ còn yếu nên được chăm sóc đặc biệt tại bàn hồi sức sơ sinh, sản phụ đã được an toàn và chuyển về khoa sản theo dõi tiếp. Sau khi ổn định, bé được chuyển lên Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để hỗ trợ điều trị, hiện tại cháu đã an toàn.
Dễ tử vong trong vòng vài phút
Theo PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, sa dây rau là một trong những tai biến sản khoa gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông khi mẹ chuyển dạ, thai nhi dồn áp lực lên dây rốn gây giảm hoặc ngăn chặn toàn bộ việc cung cấp máu từ mẹ sang. Nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ bị tổn thương não do thiếu oy dẫn đến di chứng. Tùy từng trường hợp sa dây rau mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, trong vòng vài phút đến gần 30 phút. Vì thế, nên khi phát hiện sản phụ bị sa dây rau, biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rau. Về phía mẹ thường xảy ra ở những người sinh nở nhiều lần khiến cho ngôi thai bình chỉnh không tốt gây ra các ngôi bất thường. Ngoài ra, phụ nữ có khung chậu hẹp, méo hay có khối u tiền đạo; Về phía thai nhi thường gặp phải tình trạng ngôi thai bất thường như ngôi thai ngược, ngôi ngang... hoặc do ngôi thai không tỳ được vào cổ tử cung; Về phía phần phụ của thai: Dây rau dài bất thường, đa ối, nhau bán thấp, vỡ ối đột ngột... đều có thể khiến dây rốn bị sa theo.
Sa dây rau thường gặp khi chuyển dạ, cổ tử cung mở > 2cm và hay gặp trong cá trường hợp đa ối. Các dấu hiệu mẹ bị sa dây rau khi chuyển dạ là: Mẹ bị ra nhiều nước ối; Nhìn thấy dây rau sa ra ngoài âm hộ; Thăm âm đạo thấy dây rau nằm cuộn trong âm đạo; khám âm đạo thấy dây rau ở cổ tử cung; Cổ tử cung thường chưa mở hết; Ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường.
Sa dây rau là trường hợp rất hiếm gặp. Tuy nhiên, khi có hiện tượng sa dây rau (thấy dây rau trong vùng kín), thai phụ cần đến ngay bệnh viện, các cơ sở y tế gần nhất. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng suy thai cấp. Trong khi chờ xe cấp cứu đến, thai phụ nên nằm úp mặt xuống sàn nhà, không cố rặn. Chú ý để tư thế nằm của sản phụ nâng hông và hai chân cao hơn đầu khi nằm ngửa, quỳ gối chổng mông và cúi thấp đầu xuống sàn.
Theo các chuyên gia sản khoa, hiện chưa có phương pháp cụ thể nào có thể giúp ngăn ngừa tình trạng sa dây rau. Nếu mẹ bầu nằm trong nhóm những người có nguy cơ mắc sa dây rau thì nên thăm khám và theo dõi thai định kỳ, nhất là sau tuần thứ 38 nên thường xuyên đến bệnh viện hoặc lưu trú tại bệnh viện để được xử lý kịp thời khi có chuyển dạ.