Cụ thể, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội liên quan đến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tại tờ trình này, Chính phủ đề nghị được rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, dự án Luật này thuộc Chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8), Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình năm 2019. Lý do rút chương trình này là cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là vấn đề mở rộng đối tượng chịu thuế có tác động xấu đến môi trường.
Ngoài ra, ngày 20/10/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019), trong đó một số mặt hàng (xăng, nhiên liệu bay, dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dung dịch HCFC, túi ni lông thuộc diện chịu thuế) đã được điều chỉnh lên mức trần trong khung thuế suất hiện hành; một số mặt hàng (dầu hỏa, than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng) chưa điều chỉnh đến mức kịch khung thuế suất.
Do vậy, Chính phủ cho rằng cần có thời gian để các quy định mới “đi vào cuộc sống”. Trên cơ sở đó đánh giá cụ thể tác động của việc điều chỉnh khung thuế đối với định hướng sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mới đây, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần. Thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít.
Trước đó, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít. Cụ thể, khung thuế Bộ Tài chính đề xuất là 3.000-8.000 đồng/lít, cao gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (1.000-4.000 đồng/lít).