<div> <p dir="ltr">Uống rượu quá mức có thể gây ra những thay đổi cả ngắn hạn và dài hạn đối với nhiều loại hormone trong cơ thể, bao gồm cả testosterone.</p> <p dir="ltr">Testosterone là một loại hormone có ở cả nam và nữ, nhưng xuất hiện ở nồng độ cao hơn nhiều ở nam giới. Hormone này góp phần chủ yếu vào sự phát triển của xương, cơ bắp và góp phần thúc đẩy ham muốn tình dục cũng như sự phát triển của tinh trùng. Như với hầu hết các hormone, mức độ cao và giảm sẽ có tác động đến thể chất và cảm xúc.</p> <p><img alt="Rượu ảnh hưởng như thế nào đến testosterone ở nam giới - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/09/13/58/image-plo-vn_uong-ruou-anh-huong-toi-nam-gioi_svyo.jpg" /><br /> <em class="image_caption">Uống rượu bia có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương gan, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và suy giảm sản xuất testosterone. Ảnh: NHẬT LINH</em></p> <p dir="ltr">Khi mức testosterone giảm nó có thể dẫn đến các vấn đề chẳng hạn như: <span>rối loạn cương dương</span>, giảm ham muốn tình dục, số lượng tinh trùng thấp, cáu gắt, phiền muộn, tăng cân…</p> <p dir="ltr">Mặc dù bài viết này chỉ tập trung vào <span>testosterone ở nam giới</span>, phụ nữ cũng sản xuất một lượng nhỏ testosterone trong buồng trứng của họ. Mức độ testosterone thấp ở phụ nữ có thể dẫn đến ham muốn tình dục thấp và giòn xương, theo <em>Healthline.</em></p> <p dir="ltr"><strong><em>Ảnh hưởng lâu dài của rượu đối với testosterone</em></strong></p> <p dir="ltr">Những người nghiện rượu nặng thường có chức năng tinh hoàn kém hơn những người uống một lượng rượu vừa phải. Đàn ông uống nhiều rượu có nhiều khả năng gặp phải: rối loạn cương dương, mức testosterone thấp, ham muốn thấp.</p> <p dir="ltr">Người ta cho rằng lạm dụng rượu mãn tính làm hỏng các tế bào Leydig trong tinh hoàn, chúng chịu trách nhiệm sản xuất testosterone. Rượu cũng có thể cản trở việc giải phóng LH, FSH và GnRH, đây là những nội tiết tố cần thiết cho hệ sinh sản, theo <em>Healthline</em>.</p> <p dir="ltr">Uống rượu vừa phải dường như không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe sinh sản hoặc mức testosterone. Lượng rượu khuyến nghị nên dùng là không uống nhiều hơn một ly đối với phụ nữ hoặc hai ly đối với nam giới trong một ngày. Nếu lượng tiêu thụ của bạn tăng lên, bạn có thể gặp phải các tác động xấu đến nội tiết tố.</p> <p dir="ltr"><strong><em>Ảnh hưởng ngắn hạn của rượu đối với testosterone</em></strong></p> <p dir="ltr">Rượu có thể gây ra sự suy giảm ngắn hạn trong việc giải phóng testosterone bằng cách ảnh hưởng tiêu cực đến vùng dưới đồi và tuyến yên của bạn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng testosterone có thể bị giảm ít nhất là 30 phút sau khi uống rượu.</p> <p dir="ltr"><strong><em>Rượu ảnh hưởng đến tinh trùng của bạn như thế nào?</em></strong></p> <p dir="ltr">Rượu làm suy giảm chức năng của các tế bào sertoli trong tinh hoàn của bạn. Những tế bào này cần thiết cho sự trưởng thành của tinh trùng.</p> <p dir="ltr">Quá trình phát triển của tinh trùng được gọi là quá trình sinh tinh. Cả testosterone và FSH đều có vai trò trong quá trình sinh tinh. Sự gián đoạn đối với các hormone này có thể dẫn đến sự ngừng sinh tinh. Ngừng sinh tinh là hiện tượng tinh trùng phát triển bị gián đoạn có thể dẫn đến nồng độ tinh trùng trong tinh dịch thấp.</p> <p dir="ltr">Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 50% những người nghiện rượu nặng bị ngừng sinh tinh so với nam giới không nghiện rượu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng tinh dịch và hình thái tinh trùng. Tuy nhiên, uống ở mức vừa phải không ảnh hưởng đến chất lượng 2 thông số này, theo <em>Healthline</em>.</p> <div> </div> </div> <p> </p>