Rước thêm bệnh từ thuốc giả, kém chất lượng

Thuốc kém chất lượng (KCL) cũng là thuốc giả và luôn luôn là mối nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về thuốc giả như sau: “Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc.

Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”. Như vậy, thuốc giả theo WHO đã bao hàm cả thuốc KCL, là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng.

Thuốc giả, kém chất lượng nguy hại khôn lường cho người sử dụng.

Thuốc giả, kém chất lượng nguy hại khôn lường cho người sử dụng.

Thuốc là sản phẩm có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh. Hoạt chất chứa trong thuốc quyết định tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh. Vì vậy, thuốc được sản xuất và lưu hành phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, không để thuốc KCL đến tay người tiêu dùng.

Trong giai đoạn sản xuất, phải phát hiện thuốc KCL do bảo quản hóa chất, do quy trình sản xuất mà ảnh hưởng đến chất lượng là phải xử lý ngay, tuyệt đối không được đưa ra thị trường loại thuốc.

Thuốc KCL có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng, người dùng thuốc sẽ không hết bệnh hoặc bệnh càng ngày càng nặng thêm. Như người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường gần như phải dùng thuốc suốt đời, thế mà dùng thuốc trị tăng huyết áp, trị đái tháo đường KCL không kiểm soát được bệnh thì thật tai hại.

Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng không tinh khiết và nếu lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Tại một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ con có chứa tá dược lẫn độc chất propylene glycol làm cho nhiều trẻ bị tử vong.

Hơn nữa, thuốc kém chất lượng không chỉ gây hại cho người sử dụng nó mà có thể gây hại cho cộng đồng, thậm chí cho toàn thế giới.

Như thuốc kháng sinh KCL nếu đem ra sử dụng không những không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh do không đủ hàm lượng hoạt chất mà còn làm cho vi khuẩn trở thành chủng đề kháng loại kháng sinh đã sử dụng vị đặc tính của vi khuẩn là chúng cũng thích nghi dần với các điều kiện bất lợi nếu chất đó không làm chúng bị tiêu diệt.

Vì vậy, loại kháng sinh đó sẽ không còn tác dụng đối với chủng này nữa. Hâu quả là bệnh không được chữa khỏi mà vi khuẩn thì lại “nhờn” với kháng sinh, tức là đề kháng lại thuốc.

Nguy hại hơn, vi khuẩn đề kháng lan tràn khắp nơi qua lây nhiễm hoặc dịch bệnh khiến cho việc trị bệnh nhiễm khuẩn ngày càng khó khăn. Vấn đề đề kháng kháng sinh không chỉ nguy hại cho số nhỏ người bệnh bị nhiễm khuẩn mà đang là vấn nạn toàn cầu.

Đặc biệt, ở nước ta lại càng trầm trọng khi mà việc dùng thuốc khánh sinh đã và đang bị lạm dụng rất lớn như mua thuốc không cần đơn, không dùng thuốc theo hướng dẫn.

Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.

Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Nhưng nếu tác dụng có hại của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên đến 1/10. Trong đó, điều nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc.

Theo Đời sống
back to top