<div> <div><strong>Ngực chảy mủ, mất sữa</strong></div> </div> <p>Cách đây 3 tháng, chị Nguyễn Minh Thoa (ở Hà Nội) đã phải chịu đau đớn khi bị tắc tia sữa. Chị kể, sinh con được mấy hôm sữa bắt đầu về nhiều, con bú ít nên ngực chị lúc nào cũng rất căng. Tắc tia sữa, ngực chị căng tức, nhiều khi như đeo hai quả tạ trước ngực. Dùng mẹo bằng lược để chải rồi nhờ cả chồng “hộ” nhưng không ăn thua.</p> <p>Lo bị áp xe, chị làm theo cách hàng xóm mách là dùng lá đu đủ hơ nóng rồi đắp vào ngực, kết quả ngực còn sưng to hơn, ửng đỏ. Khi sốt cao quá không hạ, gia đình đưa chị đến viện, bác sĩ cho biết, chị bị áp xe ngực. Bác sĩ đã phải chích rạch để giải phóng sữa ứ đọng, cho chị uống thuốc để giảm bớt tiết sữa. Chị điều trị tích cực, dù không còn chịu đau bởi tắc tia sữa nữa nhưng sữa về ít, không đủ cho con bú. Khi con được 6 tháng thì chị mất sữa hẳn.</p> <p>Mới đây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp nhận một sản phụ ở Tuyên Quang bị áp xe vú, ngực chảy mủ do tắc tuyến sữa. Khi bị tắc tuyến sữa, nghe người thân mách chị chỉ đắp lá, khi ổ nhiễm trùng chảy mủ mới đến bệnh viện thăm khám. Để điều trị, bệnh viện đã áp dụng chiếu tia plasma hỗ trợ làm lành vết thương cho chị. Ngay sau lần chiếu tia plasma đầu tiên, chị cảm thấy đỡ đau rất nhiều và khi ổn định sẽ khâu thẩm mỹ lại vết thương.</p> <p>Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng thường xuyên gặp những trường hợp tắc tia sữa sau sinh, phần lớn là những bà mẹ lần đầu sinh con. Có nhiều trường hợp khi tắc tia sữa quá lâu lại chỉ dùng mẹo, nhất là dùng các loại lá đắp để xử lý dẫn tới áp xe, nguy kịch.</p> <p>Theo BS Nguyễn Thị Bích Thủy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), các loại lá cây chứa nhiều lông tơ nhỏ nên khi đắp lá chữa tắc tia sữa rất dễ gây kích ứng cho da. Nếu các loại lá cây không được vệ sinh tốt, nhiễm bẩn hoặc chứa hóa chất thì càng nguy hại. Ngực áp xe, người nhà của bệnh nhân lại nặn bóp quá sớm làm ổ nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương tổ chức mềm lành xung quanh dẫn tới tình trạng nặng hơn. Khi bị tắc tia sữa tốt nhất nên đến cơ sở y tế điều trị, không nên tự ý thực hiện các mẹo dân gian sẽ gây nên những hậu quả khó lường.</p> <p>BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Thái Hà) cho rằng, khi tắc sữa, bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng ngày càng căng, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít, vắt cũng không ra. Sữa ứ đọng nhiều bên trong gây sốt, đau. Khi không chữa trị kịp thời, tắc tia sữa sẽ chuyển sang áp xe vú vô cùng nguy hiểm.</p> <p>Cách nhiều chị em mách nhau dùng các loại lá như dùng bồ công anh, chinh nữ hoàng cung… đắp có tác dụng làm giảm sưng, giảm nề nhiều hơn là làm thông nút tắc tuyến sữa. Chúng có thể gây bỏng, gây viêm da, vì vậy nên cẩn trọng khi áp dụng. Khi dùng có thể có trường hợp hết tắc sữa nhưng nguyên nhân thông được chủ yếu là do lực bú hút của em bé chứ không hẳn do các loại lá.</p> <p><strong>Cách thông tia sữa</strong></p> <p>Theo TS.BS Lê Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M (Bệnh viện Từ Dũ TPHCM), tắc tia sữa là hiện tượng ống dẫn sữa trong hệ thống tuyến sữa của người mẹ bị tắc. Sữa không thoát ra được, tích tụ lại thành các cục u ở vú. Nhiều người bị tắc tia sữa sau khi thông vẫn bị lặp lại nhiều lần. Người mẹ cần chú ý cho bé bú thường xuyên, đúng cách, day đều bầu vú, vắt sữa ra bình khi bé bú không hết. Động tác mút từ sớm sẽ kích thích sữa rất tốt và tránh tình trạng tắc tia sữa.</p> <p>Bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện tắc sữa cấp, các bà mẹ cần bình tĩnh thực hiện các bước: Dùng khăn ấm hoặc túi chườm ấm để cho các nang sữa giãn ra, tan sữa vón cục. Nhẹ nhàng massage dọc từ ổ sữa ứ hướng về quầng thâm, massage xoay tròn vùng ranh giới giữa đau và không đau, massage làm mềm quầng thâm vú, lau sạch núm vú và cho con bú.</p> <p>Sau khi cho con bú xong, có thể kết hợp dùng máy hút sữa thêm, nếu mẹ không cho bé bú trực tiếp thì tiến hành hút sữa. Tốt nhất dùng máy hút sữa điện, lực hút mạnh. Quan trọng cần nhớ massage, vê quầng vú trước khi hút/vắt sữa để kích thích xuống sữa. Khi thấy vùng sữa ứ tan cần chườm mát vú, đắp khăn hoặc túi chườm mát.</p> <p>Trường hợp tắc tia sữa mức độ nhẹ có thể vắt sữa bằng tay. Dùng tay massage bầu sữa bị tắc, những túi sữa vón cục ở bên trong sẽ dần tan ra và vắt nhẹ sữa sẽ ra được. Dùng một bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng hai bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết.</p> <p>Lưu ý, day ép chứ không phải xoa mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và làm tan sữa đã đông kết. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần khoảng 20 lần.</p> <p>Bên cạnh đó, các sản phụ có thể áp dụng bài thuốc chữa tắc tia sữa như uống nước lá đinh lăng. Theo đó, lấy một nắm lá đinh lăng rửa sạch, sao vàng rồi hạ thổ, sắc như thuốc bắc sẽ có tác dụng nhanh chóng. Hoặc có thể luộc quả trứng bóc vỏ hoặc cơm nóng nắm bọc khăn chườm lên hai bầu ngực, lăn nhẹ từ ngoài vào trong đến khi cơm nắng và trứng nguội sẽ giúp tia sữa thông nhanh hơn.</p> <p>Trường hợp đã áp dụng các biện pháp mà không thấy hiệu quả, ngực vẫn căng tức lại kèm thêm hiện tượng sốt cần đến viện sớm để xử lý kịp thời. Hiện các bệnh viện đều có vật lý trị liệu sử dụng đèn hồng ngoại, đèn chiếu ánh sáng xanh… làm mềm vú, thông tia giúp sản phụ bị tắc tia sữa, cương sữa.</p> <div> <p><strong>Cách phòng chống tắc tia sữa</strong></p> <p>Ngay khi có thai, người mẹ phải luôn quan tâm vệ sinh phần ngực sạch sẽ, nhất là phần đầu vú, các kẽ của phần đầu vú. Dùng khăn sạch nhúng nước ấm để làm sạch.</p> <p>Cho con bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt và bú liên tục theo nhu cầu. Trước khi cho bú cần vệ sinh đầu vú sạch, vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi rồi hãy cho bú. Khi con bú xong cũng cần làm sạch đầu vú để tránh có sữa đọng dễ vón cục.</p> <p>Khi cho bú phải cho bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên khác.</p> <p>Lượng nước uống vào gấp đôi so với thường ngày, ăn đầy đủ đa dạng chất dinh dưỡng và chất xơ từ rau quả.</p> <p><i>BS</i><strong><i> Lê Thu Hà</i></strong></p> </div> <p> </p>