Được ví như báu vật của vùng biển phía nam tỉnh Quảng Nam, thế nhưng những cánh rừng ngập mặn rộng hơn 50 ha chạy quanh xã Tam Giang (huyện Núi Thành) lại đang phải chịu cảnh chết mòn. Đặc biệt, từ sau những cơn bão cuối năm 2020 đến nay, số lượng cây chết không đếm xuể…
Rừng chết khô
Nằm sát cảng cá An Hòa, thôn Đông Xuân vốn có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh nhiều nhất của xã Tam Giang. Thế nhưng hiện rừng không còn màu xanh vốn có, mà thay vào đó là màu nâu đen của thân, cành cây khô héo.
Theo người dân địa phương, sau những cơn bão liên tiếp cuối năm 2020, cây bắt đầu rụng lá rồi chết khô. Đặc biệt, hè năm nay, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến diện tích cây chết lan rộng và nhanh hơn.
Ông Phạm Trúc (người dân thôn Đông Bình, xã Tam Giang) cho hay, khu rừng này cũng từng có cây chết nhưng do già cỗi và cũng khá ít. Đây là lần đầu tiên ông chứng kiến số cây chết nhiều và trên diện rộng như vậy.
"Chúng tôi cũng không biết nguyên nhân cụ thể do đâu, chỉ nhận thấy từ sau những cơn bão liên tiếp cuối năm 2020, cây bắt đầu khô héo rồi chết dần. Cánh rừng này vốn được xem là "báu vật" bao đời nay được người dân gìn giữ. Vậy mà... Chứng kiến cảnh này, chúng tôi rất xót xa", ông Trúc nhìn cánh rừng đang dần khô héo, nói giọng buồn bã.
Ngoài cây trong khu rừng ngập mặn bị chết, rác thải còn bủa vây dọc bìa rừng, bốc mùi hôi thối khiến người dân rất lo lắng về môi trường sống. Cây chết, việc chống chọi với mưa bão, sóng biển, sạt lở khi mùa mưa đến sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Hồng (62 tuổi, xã Tam Giang) chia sẻ, rừng ngập mặn ở dọc bờ sông Trường Giang có tác dụng chắn gió bão, ngăn sạt lở. Bây giờ cây chết nhiều như vậy thì vào mùa mưa bão sẽ gây nguy hiểm đến nhà cửa, tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây. Môi trường sinh thái cũng bị ảnh hưởng do rác thải liên tục tấp vào.
"Xã Tam Giang có nhiều cửa sông chảy về nên rác thải cũng rất nhiều. Trước đây rừng xanh tốt, các loài thủy sản về trú ngụ đông đúc; nhưng nay cây chết, chúng cũng mất chỗ trú ẩn. Thời gian gần đây, chồng tôi đi bủa lưới chỉ đủ ăn chứ không có để bán như hồi xưa", bà Hồng thở dài nói.
Ngoài khu vực rừng ngập mặn ở xã Tam Giang bị chết, còn một số khu rừng ở xã Tam Hòa và xã Tam Hải (huyện Núi Thành) cũng bị chết khô.
Cần sớm khôi phục "báu vật" làng biển
Năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng nở rộ, nhiều hộ dân bắt đầu "xẻ thịt" rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Được vài năm, tôm nhiễm bệnh, rớt giá nên hàng trăm ao hồ bỏ hoang, để lại cánh rừng ngập mặn thưa thớt.
Năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào Quảng Nam và xã Tam Giang bị thiệt hại nặng nề. Thiên tai gây xói lở đất, nhà cửa bị tốc mái, ghe thuyền không có nơi trú ngụ.
Lúc này người dân địa phương mới nhìn thấy sai lầm trong việc phá rừng để nuôi tôm. Họ bảo nhau phải khôi phục lại cánh rừng bị mất. Chính quyền xã cùng người dân cầu cứu nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ trồng mới rừng ven sông.
Đầu năm 2015, UBND huyện Núi Thành đã cấp 3,2 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng 27 ha rừng ngập mặn tại xã Tam Giang, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó đến nay, cánh rừng ngập mặn này được người dân bảo vệ, giữ gìn, xem như "báu vật" của làng biển.
Hiện nay, khi chứng kiến cảnh rừng ngập mặn dần chết khô không rõ nguyên nhân, người dân địa phương ai cũng xót xa và mong muốn chính quyền sớm có biện pháp khắc phục, bảo vệ, tôn tạo cánh rừng ngập mặn quý báu này.
Theo thống kê từ UBND xã Tam Giang, toàn xã hiện có hơn 50 ha rừng ngập mặn, trong đó 25 ha rừng tự nhiên đã chết khoảng 7,5 ha, rừng trồng mới 26 ha thì hầu như bị chết khô.
Sau 2 đợt bão vào năm 2020, một số cây trong khu vực rừng ngập mặn có tình trạng rụng lá hàng loạt và bắt đầu héo cành rồi chết.
Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch xã Tam Giang cho biết: "Chính quyền xã Tam Giang đã báo cáo với lãnh đạo huyện Núi Thành đề nghị đi kiểm tra và có giải pháp bảo vệ, khôi phục diện tích rừng ngập mặn".
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Hiệp - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về diện tích rừng ngập mặn ở xã Tam Giang bị chết khô, ngành chức năng huyện Núi Thành đã xuống kiểm tra và làm báo cáo gửi Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam để kiểm tra và đưa ra phương án, khắc phục về tình trạng này.
Cũng theo ông Hiệp, hiện địa phương cũng không rõ nguyên nhân chết khô của cánh rừng ngập mặn, phải chờ kết luận kiểm tra của ngành chức năng.
Ngô Linh