Rủi ro từ mũ bảo hiểm kém chất lượng

Các chuyên gia cảnh báo, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng không thể bảo vệ người sử dụng khi không may gặp tai nạn giao thông.

Những năm qua, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đội mũ bảo hiểm kém chất lượng khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng cũng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện và thu giữ số lượng lớn “hàng rởm”. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn diễn ra.

Mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được bày bán tràn lan trên các tuyến đường.

Mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được bày bán tràn lan trên các tuyến đường.

Tràn lan mũ bảo hiểm kém chất lượng

Theo ghi nhận của phóng viên Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, tại TP HCM cũng như nhiều địa phương khác, không khó bắt gặp cửa hàng, quầy sạp ven đường bày bán tràn lan mũ bảo hiểm. Những sản phẩm này có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng/chiếc với đa dạng mẫu mã và màu sắc.

Khi phóng viên bày tỏ băn khoăn về chất lượng của chiếc mũ bảo hiểm thời trang nửa đầu, có kiểu dáng lưỡi trai, giá 50.000 đồng/chiếc, một người bán hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP. HCM) giải thích: “Mũ này có bà chị đội 2 năm chưa hỏng! Anh cứ yên tâm mua cho chị nhà đội, còn lâu mới hỏng”.

Quy định đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển và ngồi trên mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vốn là bắt buộc khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế số ca chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra. Đây là quy định rất đúng đắn, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều người không chấp hành nghiêm quy định này.

Nhiều người dân đối phó bằng cách đội mũ bảo hiểm “rởm”, mũ “thời trang” không đảm bảo chất lượng, không có tem kiểm định, tem hợp quy… hoặc đội không đúng quy cách (không cài quai hoặc cài lỏng lẻo, không ôm cằm, gây mất tác dụng của mũ).

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lý do chính khiến người tiêu dùng lựa chọn mũ bảo hiểm “thời trang” là giá thành rẻ, hình thức đẹp. Bên cạnh đó, nhiều người chia sẻ rằng, họ mua mũ bảo hiểm tại các cửa hàng, quầy sạp ven đường nên không rõ chất lượng.

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa) khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, thậm chí, con số này lên tới 40% (số liệu dựa trên 2,5 triệu quan sát thực tế người tham gia giao thông trên toàn quốc). Đặc biệt, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên mô tô, xe máy còn thấp (60% - 80%), trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương.

Những chiếc mũ bảo hiểm “rởm” không bảo vệ được người sử dụng khi không may xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: IT.

Những chiếc mũ bảo hiểm “rởm” không bảo vệ được người sử dụng khi không may xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: IT.

Hậu quả khi sử dụng mũ bảo hiểm rởm

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và chuyên gia, mũ bảo hiểm “rởm” thường được sản xuất với nguyên liệu kém chất lượng, không đảm bảo độ bền và khả năng chịu lực khi xảy ra va chạm. Điều này khiến mũ bảo hiểm kém chất lượng không thể cung cấp độ bảo vệ cần thiết cho người sử dụng trong tình huống khẩn cấp, như tai nạn giao thông.

PGS.TS.BS Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, cho biết, trong 100 ca nhập viện mổ chấn thương sọ não nặng, tổn thương não, có khoảng 10 ca tử vong; 40 ca phục hồi nhưng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng cuộc sống; 50 ca phục hồi tiếp cận với cuộc sống trước đây.

“Mũ bảo hiểm đạt chất lượng gồm 2 thành phần, độ chêm bên trong mũ và độ đứng của thành vỏ. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có tác dụng bảo vệ người điều khiển phương tiện, giảm nguy cơ chấn thương sọ não”, PGS.TS.BS Huỳnh Lê Phương cho hay.

Bên cạnh nguy cơ mất an toàn, mũ bảo hiểm “rởm” cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về da liễu. Vì tiết kiệm chi phí, đơn vị sản xuất thường dùng loại nhựa tái chế không đạt tiêu chuẩn để gia công, chế tạo. Khi đội những loại mũ này ra đường với nhiệt độ cao, sử dụng thường xuyên, người dùng dễ bị ngứa da đầu, gàu, nấm đầu, rụng tóc…

Theo bác sĩ da liễu, khi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng thường xuyên, mồ hôi thoát ra không thấm hút được, gây ẩm ướt, khiến vi khuẩn, nấm phát triển và gây ra bệnh về da đầu. Trong khi đó, mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn có lỗ giúp thoáng khí và làm từ vật liệu an toàn nên giúp người sử dụng tránh nguy cơ ngứa, nấm đầu.

Vì vậy, việc chọn mua, sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng, đảm bảo chất lượng rất cần thiết để bảo vệ bản thân, cũng như góp phần cho an toàn giao thông chung của cộng đồng.

Chỉ khi mọi người chấp nhận và thực hiện đúng quy định về an toàn giao thông, chúng ta mới có thể giảm thiểu được những rủi ro và hậu quả từ việc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Đây là một trong những bước quan trọng để xây dựng môi trường giao thông an toàn, phát triển bền vững cho đất nước.

Theo VietnamDaily
back to top