Thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn ngày càng khốc liệt, rủi ro thiên tai đang vượt quá khả năng phục hồi của các quốc gia.
Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm
Trong các ngày từ 3 đến 14 tháng 6 năm 2019, tại Geneva Thụy Sỹ diễn ra Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 18 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), Bộ TN&MT tham dự khóa họp này. Ông cho biết, khóa họp lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đương đầu với rất nhiều những thay đổi trái quy luật của tự nhiên, do biến đổi khí hậu. Thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn ngày càng khốc liệt, rủi ro thiên tai đang vượt quá khả năng phục hồi của các quốc gia.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của Tổng cục KTTV Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ và sự hợp tác hiệu quả của WMO và các quốc gia thành viên trong Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) cho khu vực Đông Nam Á đặt tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia của Việt Nam từ vài năm nay đã và đang hoạt động tốt.
PGS.TS Trần Hồng Thái cho biết, Việt Nam đã đề đạt WMO hỗ trợ thành lập Trung tâm giám sát và cảnh báo hạn hán, đồng thời quan tâm phát triển cơ sở dữ liệu hạn hán nông nghiệp để các nước thành viên có thể truy cập để khai thác dữ liệu phục vụ hiệu quả.
Nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét
Đối với Dự án Hệ thống cảnh báo lũ quét (FFGS) Việt Nam đã được xác định là Trung tâm khu vực. Để nâng cao năng lực, làm chủ hệ thống, cán bộ có thể cập nhật dữ liệu radar, chỉnh lý dữ liệu radar và dữ liệu vệ tinh, tích hợp các mô hình dự báo số trị, cập nhật dữ liệu địa hình mới và phân chia lại các lưu vực phụ. Việc phát triển hệ thống cảnh báo lũ quét có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai. Hiện công nghệ đã sẵn sàng, không lâu nữa, việc cảnh báo chi tiết đến từng khu vực sẽ có thể được hoàn thiện.
Hệ thống quan trắc tích hợp toàn cầu (WIGOS) và hệ thống thông tin toàn cầu (WIS) hiện nay, Việt Nam đang trên tiến trình hiện đại hóa ngành KTTV, nghiên cứu, thiết kế và xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia theo tiêu chuẩn WMO. Trong lĩnh vực khí tượng hàng không cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ quốc tế để dự báo chính xác, phục vụ an toàn bay.
Về mạng lưới quan sát khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu, dự báo và công nghệ cảnh báo hiện ở Việt Nam đã được đầu tư khá bài bản. Để làm chủ công nghệ mới và hiện đại, nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ cán bộ KTTV Việt Nam thì sự hỗ trợ của WMO cho chiến lược nâng cao năng lực, khả năng dự báo. Ngành KTTV Việt Nam tham dự Khóa họp Đại hội đồng lần này cũng mong muốn mở rộng tìm kiếm đối tác hợp tác phát triển trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và hợp tác với các quốc gia trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược của WMO.
Tại khóa họp lần thứ 18 Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự đầy đủ các cuộc họp bàn định kế hoạch hoạt động tại các ban chuyên ngành. Đặc biệt đại diện của Việt Nam được WMO mời tham gia vào Ban Ủy nhiệm Thư và Ban Bầu cử dự Cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 18. Điều này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm, cam kết của nước thành viên tham gia WMO đồng thời cũng thể hiện vị thế của Việt Nam trong tổ chức khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới.