“U vàng dưới da hình thành là do lipid huyết tương làm nhiệm vụ vận chuyển lipid trong đại thực bào và cholesterol trong máu đi đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bệnh thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý tim mạch, nội tiết - chuyển hóa...”, TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nói.
Đừng chủ quan khi u nổi khắp người, máu trắng như sữa
Ông N.V.T (54 tuổi, Quảng Bình) có nhiều u cục lớn, nhỏ xuất hiện ở tay và chân, không đau, không ngứa nên chủ quan. Gần đây, u nổi to, người mệt mỏi, ông mới đến bệnh viện khám.
Nhìn thương tổn ở da, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) chẩn đoán sơ bộ ông bị u vàng (bệnh lý do rối loạn mỡ máu). Kết quả xét nghiệm máu cho thấy: Triglyceride lên tới 58 (giới hạn là 2,27); Cholesterol 16,72 (giới hạn 5,2); Glucose 21,5 (giới hạn 7,0); Máu đục như sữa…
Bệnh nhân rối loạn mỡ máu bị nổi u cục ở tay và chân. |
Anh K. tưởng mình bị mụn ngoài da nên tự ý nặn nhân vàng. Những nốt nhỏ thâm lại, đóng vảy, còn nốt to hơn rất khó nặn. Những nốt này có xu hướng lan rộng và dày đặc hơn ở các vị trí trên. Anh đi khám da liễu nhưng không rõ chẩn đoán, uống thuốc 1 tháng các u lại nhiều hơn kèm theo mệt mỏi, gầy sút cân, tiểu nhiều. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, anh K. được được chẩn đoán u vàng phát ban, rối loạn lipid máu hỗn hợp, đái tháo đường tuýp 2...
Trường hợp khác, trong suốt 8 năm, một bệnh nhân 40 tuổi ở Hải Phòng sống chung với u cục đa hình thái, đa kích thước 1-3cm, mật độ chắc, xuất hiện ở khớp mặt duỗi các ngón tay, chân, ấn không đau. Bệnh nhân đi khám được chẩn đoán u vàng thể củ do mỡ máu, acid uric cao...
Nghiên cứu cho thấy, rối loạn chuyển hóa mỡ máu ngày càng gia tăng không chỉ ở người béo mà cả người gầy, ăn chay, trẻ nhỏ.... Cứ 4 người ở Việt Nam, có 1 người mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Trong đó, tỷ lệ ở độ tuổi 35 đến 44 là 41,7% và ngày một tăng cao.
Bệnh nhân mắc u vàng thể cục. |
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu tạo nhiều thể u khác nhau
Trao đổi với PV Khoa học & Đời sống, BS Nguyễn Thị Thu Hương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết, u vàng là tổn thương da lành tính, gây ra bởi sự lắng đọng cục bộ của lipid đặc biệt là triglyceride trong lớp hạ bì.
Biểu hiện của u vàng là những nốt đặc, sẩn màu vàng hồng, kích thước khác nhau từ 1-4 mm, thường xuất hiện ở vị trí mặt duỗi các chi, mông, lưng. Đặc trưng của tình trạng này là nồng độ triglyceride huyết thanh tăng cao và bệnh lý đái tháo đường kiểm soát kém hoặc mới được chẩn đoán.
“Khoảng 10% bệnh nhân tăng triglyceride máu nặng có biểu hiện u vàng phát ban trên da. Đa phần bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, tăng triglyceride máu nặng, kèm theo tiểu đường, tăng huyết áp, viêm tụy...”, BS Hương nhấn mạnh.
Theo BS Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương, u vàng xuất hiện tiên phát hoặc thứ phát sau bệnh đái tháo đường, suy giáp, hoặc hội chứng thận hư, nghiện rượu... hoặc sau dùng các thuốc dẫn tới tăng lipid máu như: Estrogen, tamoxifen, prednison, retinoids uống, cyclosporine, olanzapine, nilotinib và thuốc ức chế protease...
U vàng nổi khắp chân bệnh nhân |
U vàng biểu hiện dưới dạng sẩn, mảng hoặc nốt trên da với nhiều thể khác nhau.
Thể phát ban: Tổn thương dát đỏ đến sẩn vàng từ 1-5 mm, khởi phát đột ngột ở mặt duỗi của chi và mông hoặc các vị trí chấn thương da. Thể này thường liên quan tăng triglyceride máu, bệnh tiểu đường, viêm tụy ...
Thể củ: Tổn thương là các sẩn hoặc nốt sần màu vàng hay ban đỏ nằm trên khớp hoặc mặt duỗi của tứ chi, đặc biệt khuỷu tay và đầu gối, đơn độc hoặc tập trung lại thành đám lên tới 3 cm. Bệnh liên quan tăng cholesterol máu.
Thể gân: Tổn thương là nốt sần mịn, chắc nhưng di động, có màu da xuất hiện trên gân hoặc dây chằng. Bệnh liên quan hội chứng tăng cholesterol máu di truyền do nồng độ LDL tăng cao...
Thể phẳng: Tổn thương là các dát, mảng màu vàng, sờ mềm quanh mí mắt, cổ, thân, vai và nách. Có thể có hoặc không liên quan tăng lipid máu nguyên phát hoặc thứ phát...
Bệnh cũng có thể liên quan tăng cholesterol máu do ứ mật trong viêm đường mật tiên phát hoặc do hội chứng Alagille. Bệnh thường gặp ở người bị rối loạn huyết học, chẳng hạn như bệnh lý đơn dòng, đa u tủy xương, bệnh bạch cầu, hội chứng myelodysplastic và rối loạn tế bào lympho (ví dụ bệnh u lympho tế bào B).
Thể sùi: Tổn thương là các sẩn đơn độc, phẳng hoặc sùi thường phát triển trong khoang miệng hoặc trên da vùng sinh dục ngoài...
Biểu hiện của u vàng do rối loạn mỡ máu |
Biến chứng nguy hiểm
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, u vàng dưới da không phải bệnh da liễu. Bệnh thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý tim mạch - nội tiết - chuyển hóa. Đồng thời, rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh lý này.
Tuy nhiên, một số trường hợp bị bệnh u vàng, nhưng hàm lượng mỡ trong máu vẫn bình thường. Người ta cho rằng, có thể do sự rối loạn chuyển hóa tại chỗ.
Bệnh không được điều trị có thể gây ra biến chứng ở các cơ quan:
Da: Củng vàng giác mạc, các ban vàng ở mi mắt, u vàng ở gân khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, gót chân, màng xương…
Nội tạng: Nhiễm lipid võng mạc, gan nhiễm mỡ, có thể gây viêm tụy cấp. Nguy hiểm nhất là gây xơ vữa động mạch, tổn thương động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu não, gây tai biến mạch não, tổn thương động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân....
Điều trị bệnh tại chỗ là loại bỏ tổn thương, cải thiện vấn đề thẩm mỹ. Toàn thân điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa lipid, nhằm giảm tái phát và hạn chế các biến chứng do tăng lipid máu gây nên (giảm nguy cơ bệnh tim mạch, và điều trị tăng triglyceride sẽ ngăn ngừa viêm tụy).
Khi điều trị tuyệt đối không được tự ý dừng thuốc, bởi chỉ số triglycerid có thể tăng cao trở lại và gây ra nguy cơ về tim mạch, cũng như viêm tụy cấp, đe dọa tính mạng.
Chế độ tiết thực hợp lý và tăng cường vận động quyết định kết quả điều trị. Bệnh nhân phải thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, giảm lượng carbohydrate ăn vào, tập thể dục, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia.
Cụ thể, những bệnh nhân thừa cân, béo phì nên giảm 5-10% trọng lượng cơ thể. Cần có chế độ ăn phù hợp, giảm muối, tăng lượng chất xơ (rau xanh) 30-40 g/ngày, nên ăn nhiều rau xanh. Hạn chế lượng chất béo bão hòa (như mỡ động vật, bơ, pho mai..), nên ăn các loại chất béo không bão hòa như dầu thực vật, các loại hạt: lạc, hướng dương, cá...
Nên ăn chế độ ăn giảm calo, giảm khoảng 500 kcal/ngày, duy trì lượng calo 800-1500 kcal/ngày).
Duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 150 phút/tuần. Cần tăng cường dần độ mạnh của các bài tập, từ đi bộ nhanh, chạy bộ, aerobic, bóng chuyền, bóng đá...