Vào ngày tết, nhân dân hay dùng lá riềng xay nát, vắt nước cốt trộn vào gạo nếp để đồ xôi, làm bánh chưng. Bánh chưng có nước cốt lá riềng thường có màu xanh đẹp mắt từ trong ra ngoài, vỏ bánh có hương thơm đặc biệt, rất hấp dẫn. Ngoài việc sử dụng làm chất tạo màu, lá riềng thường được sử dụng để tắm cho trẻ giúp chữa mụn kê và rôm sảy. Củ riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những dưỡng chất này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Riềng chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành mà ít để lại sẹo. Bên cạnh đó, nó cũng còn có khả năng điều trị chứng khó tiêu, giúp làm giảm khó chịu gây ra do viêm loét dạ dày. Đối với người đau thượng vị, loét tá tràng, đau dạ dày mãn tính có thể lấy riềng, hương phụ mỗi vị 60g, tán nhỏ thành bột, luyện viên, ngày dùng 9g, chia 3 lần. Để trị nôn mửa có thể lấy riềng, bán hạ, gừng, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
Lương y Xuân Bá (Hạ Đình, Hà Nội)