<div> <p>Mới đây, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp nhận 5 ca liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng. Đây là hệ quả của việc thời tiết chuyển lạnh đột ngột, rét đậm rét hại. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ nhỏ.</p> <p>Theo bác sĩ Dương Văn Tâm, bác sĩ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nhiều nguyên nhân dẫn tới liệt nửa mặt, méo miệng. Bao gồm: những bệnh lý về dinh dưỡng, nhiễm trùng thần kinh, chấn thương, tai nạn, đẻ non, đẻ yếu, đẻ ngạt… gây ra bại não, liệt, di chứng thần kinh, liệt về trí tuệ, ngôn ngữ vận động của trẻ nhỏ. Hiện nay, những nguyên nhân phi truyền thống bắt đầu gây liệt ở trẻ, điển hình là ung thư.</p> <p>Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết rét đậm, rét hại, cơ thể không được bảo vệ đủ ấm, người dân đi sớm về khuya… dễ bị nhiễm gió lạnh sẽ dẫn tới méo miệng, liệt nửa mặt. Bác sĩ Tâm khuyến cáo người bị liệt nửa mặt, méo miệng nên dùng tây y để điều trị bằng kháng sinh để chống viêm và phù nề.</p> <p>Tuyệt đối không cho con ngồi phía trước hoặc đứng lên xe.Để tránh mắc bệnh liệt mặt, méo miệng, trẻ nhỏ, khi đi ngoài đường vào mùa đông, phụ huynh cần lưu ý:</p> <p>- Luôn mặc đủ ấm, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.</p> <p>- Khi quần áo, giầy dép… con bị ướt, phụ huynh phải thay ngay, tránh nhiễm phong hàn.</p> <p>Đối với người lớn, đặc biệt người cao tuổi, phải đảm bảo ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, nước lạnh và hạn chế uống bia rượu. Khi bị bệnh, không tự ý sử dụng thuốc, phải tới cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.</p> <p>Trước và sau khi đi ngủ, người dân nên ngâm chân với nước muối để bảo vệ đôi chân khỏi cước, nhiễm phong hàn. Bởi theo Đông y, đôi chân ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận của cơ thể. Lưu ý, không nên đi tập thể dục quá sớm (5-6h sáng), nhất là người cao tuổi. Bởi đây là thời điểm sương nhiều, nhiệt độ xuống thấp.</p> <p>Để cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, ấm vào mùa đông, mọi người nên có chế độ ăn khoa học, bổ sung dinh dưỡng, nước ấm… để các bộ phận trên cơ thể được hoạt động bình thường.</p> </div> <p> </p>