Lô căn là rễ cây sậy có vị ngọt, tính hàn, vào kinh phế, vị và thận. Để làm thuốc nên chọn rễ mọc về phía nước ngược, béo mập, sắc trắng, hơi ngọt, phơi khô thì sắc vàng nhạt, loại rễ nhỏ nát, nhẹ thì không dùng. Ngày dùng 20 - 40g. (cần phân biệt “lô căn” là rễ cây sậy chứ không phải rễ cây lau). Dưới đây là một số bài thuốc.
- Trị nôn mửa, dạ dày viêm cấp: Lô căn tươi 30g, trúc nhự 9g, gạo tẻ 8g. Nấu đến khi gạo nhừ, lọc bỏ bã, thêm ít nước cốt gừng vào uống.
- Chữa say nắng, say nóng và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, viêm da: Mạch đông 120g, lô căn 150g, rửa sạch, thái vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống.
- Trị ôn bệnh thời kỳ sau, tân dịch khô, khát: Lô căn 24g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 12g, cam thảo 3g sắc uống.
- Bệnh nhiệt biểu hiện khát nước, bứt rứt và sốt: Lô căn 20g, thạch cao 20g, mạch đông 16g, thiên hoa phấn 14g sắc uống.
- Trị ợ hơi chua do vị nhiệt: Lô căn 20g, sinh khương 12g, trúc nhự 20g, tỳ bà diệp 14g sắc uống.
- Phế nhiệt biểu hiện ho, khạc đờm vàng đặc và áp xe phổi: Lô căn 30g, kim ngân hoa 14g, ngư tinh thảo 14g, đông qua nhân 14g sắc uống.
- Trị nôn mửa không ngừng, quyết nghịch: Lô căn thái nhỏ nấu lấy nước đặc uống.
Lô căn và thiên hoa phấn trị tân dịch bất túc ở phần khí, chất lưỡi bình thường, tổn thương âm ở mức nhẹ. Thạch hộc thanh tân dịch bất túc ở phần âm, chất lưỡi đỏ thẫm, tổn thương âm ở mức nặng, lô căn không giữ tà lại, thạch hộc dễ giữ tà lại. Người trúng hàn mà không có nhiệt thì không nên dùng.
Lương y Nguyễn Văn Sáu (TT Y tế Bà Rịa)