Khi thấy cổ họng lúc nào cũng như có cái gì hơi vướng, cứ bắt phải ho một vài tiếng, soi đèn vào họng thấy có những hạt nho nhỏ như hạt đậu..., thường đó là viêm họng hạt. Chứng này không nguy hiểm, nhưng lại gây nên rất nhiều phiền toái.
Để chữa viêm họng hạt, Tây y thường phải dùng phương pháp đốt bằng dụng cụ đặc biệt, rồi uống kèm các loại kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều người đốt ở chỗ này lại thấy mọc ở chỗ khác, và uống nhiều kháng sinh lại bị tác dụng phụ khác.
Trong dân gian có một loại cây thuốc, vừa có thể dùng làm cây kiểng, vừa có thể dùng làm thuốc trị viêm họng hạt rất tốt, đó là cây rẻ quạt.
Rẻ quạt là 1 loại cây mọc hoang và thường được trồng làm cảnh. Tên khoa học là Belamcanda chinensis Lem. Thuộc họ Lay ơn (Iridaceae). Trong giới chuyên môn Đông dược gọi là xạ can. Theo Đông y, rẻ quạt vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, làm mát họng.
Cách dùng: Dùng 20-30g rễ tươi (nếu không đủ, có thể dùng thêm lá), giã nát, thêm ít nước vào uống, ngày 2 - 3 lần. Có thể uống liên tục 1 tháng.
Hoặc dùng 30-40g rễ tươi, thêm 2 chén nước, sắc còn 1 chén. Chia 2 lần uống trong ngày.
Lương y Hoàng Duy Tân (Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)