Các bác sĩ khoa Hô hấp, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Khoa Nội soi - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa thực hiện nội soi phế quản ống mềm gắp thành công dị vật dài 7cm nằm trong đường thở cho người bệnh N.V.L, 51 tuổi ở xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.
Nụ cười rạng rỡ của các bác sỹ sau khi gắp thành công dị vật cho người bệnh L |
Người bệnh L có tiền sử ung thư thực quản. Theo lời kể của gia đình, trong lúc ông L đang ăn cơm trưa với chả lá lốt thì bị sặc, sau đó đột ngột xuất hiện ho, khó thở, đau ngực trái và được chuyển ngay vào bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Nguyên.
Tại đây, ông L được chẩn đoán suy hô hấp, có dị vật phế quản, K thực quản và tăng men gan. Trước tình trạng trên, ông L tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để cấp cứu.
Các bác sỹ thực hiện nội soi phế quản ống mềm để gắp dị vật cho người bệnh |
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành thăm khám, cho người bệnh làm các xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh nghi ngờ dị vật kích thước 2,3x6mm đoạn gốc của phế quản thùy trên phổi trái, xẹp toàn bộ nhu mô phổi trái.
Người bệnh tiếp tục diễn biến suy hô hấp nhanh, ngay lập tức được đặt ống nội khí quản. Sau khi hội chẩn với các bác sỹ khoa Hô hấp, người bệnh được chỉ định nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật cấp cứu.
Trong quá trình nội soi, các bác sỹ phát hiện ở phế quản gốc bên trái có dị vật màu trắng ngà kèm lẫn những sợi rau màu xanh đậm gây bít tắc hoàn toàn lòng phế quản bên trái.
Với kỹ thuật chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại và kinh nghiệm xử trí các tình huống cấp cứu, các bác sĩ đã lấy được hoàn toàn dị vật (là sợi và gân thịt lợn, rau xanh), dài gần 7cm, rộng 1,5cm ra khỏi đường thở.
Sau khi dị vật được gắp ra, lòng phế quản thông thoáng, quan sát niêm mạc xung huyết, nhiều dịch xuất tiết, các bác sĩ đã tiến hành bơm rửa lòng phế quản cho người bệnh. Sau khoảng 15 phút, người bệnh hết tím tái, có thể tự thở hoàn toàn, được rút ống nội khí quản và cho thở oxy gọng kính.
Hiện sức khỏe người bệnh L đã ổn định, đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu.
Dị vật sau khi được lấy ra khỏi đường thở người bệnh |
Thông thường những người bị dị vật đường thở thường có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, ho, khạc đờm… rất hay nhầm lẫn với các bệnh lý về đường hô hấp nên dễ bị bỏ qua. Do đó, người bệnh, người dân cần chú ý ăn uống đúng cách để tránh sặc; ăn từ từ, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại gì; nên ăn miếng nhỏ và gập cổ khi nuốt; không xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi ăn.
Khi có triệu chứng ho sặc khi nuốt, khi đang nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn… người bệnh cần đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
BSCKII Chu Thị Thu Lan (Phụ trách khoa Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)