Cải bẹ xanh đào thải axit uric
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhân purin có nhiều trong hải sản, thịt chó, thịt thú rừng, dạ dày, lòng lợn tiết canh vì vậy người mắc gút cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm này. Một thực đơn khoa học là tỷ lệ đạm đưa vào cơ thể đạt 12-15%, béo 18-20%, đường 65-70%. Cần phối hợp nhiều loại thực phẩm trong thực đơn hằng ngày. Đặc biệt người mắc bệnh nên ăn nhiều rau xanh để có chất xơ tống đẩy các độc chất ra khỏi cơ thể.
Cải bẹ xanh là loại rau hàng đầu tốt cho bệnh nhân gút. Rau cải bẹ xanh có công dụng đào thải axit uric – loại chất tạo tinh thể muối urat gây ra bệnh gút. Người bệnh có thể nấu nước rau cải bẹ và uống thay nước để quá trình đào thải chất axit uric được dễ dàng hơn. Loại rau thứ hai tốt cho người bệnh gút là bắp cải. Rau bắp cải không có nhân purin nên việc hấp thụ vừa tốt cho sức khỏe mà còn tránh gây bệnh gút ở người có nguy cơ. Bí xanh cũng là loại rau quả tốt cho gút. Bí xanh nổi tiếng trong việc giảm béo mà những người bị béo phì là những người có nguy cao bị bệnh gút. Bên cạnh đó bí xanh còn giúp lợi tiểu nên giúp quá trình đào thải axit uric qua đường tiết niệu rất hiệu quả. Với gút cấp tính, người bệnh gút thường được khuyên dùng dưa hấu. Theo Đông y, dưa hấu có tính lạnh, giúp thanh lọc cơ thể, lợi tiểu. Trong dưa hấu lại không có purin nên không gây bệnh gút.
Tía tô, lá lốt- vị thuốc Nam điều trị gút
Về thuốc, nếu bị cơn gút cấp phải điều trị triệt để bằng nhóm thuốc chống viêm không steriod, cholchicin, corticosteriod. Tuy nhiên, corticosteriod ít được sử dụng do tác dụng phụ của thuốc nhưng vẫn dùng trong một số trường hợp đặc biệt ở những bệnh nhân viêm nhiều khớp cùng một lúc, không đáp ứng với cholchicin. Sau khi điều trị gút cấp bằng Tây y, người bệnh không nên sử dụng thuốc kéo dài vì sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác.
Về Đông y, có rất nhiều loại thảo dược điều trị gút tốt mà không có tác dụng phụ. Ví dụ, lá tía tô vốn là một vị thuốc tự nhiên có tác dụng giảm đau, kháng viêm và làm giãn nở mạch máu, do đó hạn chế được chứng sưng viêm ở bệnh gút. Trong lá tía tô có vitamin A, C, sắt, canxi và tinh dầu giúp giảm đau, giảm viêm, đặc biệt là chữa các cơn đau gút cấp tính. Bên cạnh đó, lá tía tô còn có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải axit uric trong máu, ngăn ngừa bệnh gút tái phát. Người bệnh gút lấy 1 nắm lá tía tô đem rửa sạch, vò nát rồi cho vào ấm hãm uống giống như pha trà. Nên dùng nước này uống hằng ngày. Đối với các khớp sưng, nóng, đỏ, đau dùng thân và lá tía tô rửa sạch, giã nát chúng rồi đắp trực tiếp lên khớp bị gút. Tinh dầu trong lá, thân tía tô sẽ ngấm vào trong khớp gây ức chế phản ứng viêm và xoa dịu các cơn đau.
Lá lốt là “thần dược” đối với bệnh xương khớp, trong đó có bệnh gút. Theo Đông y, lá lốt có vị cay, tính ấm, ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí chỉ thống. Lá lốt chứa tinh dầu piperin và piperidin, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau hiệu quả. Mỗi ngày có thể dùng 1 nắm lá lốt khô sắc nước uống sau bữa tối để điều trị dự phòng cơn gút cấp. Khi bị đau nhức do gút hoặc đau nhức các khớp xương, lấy lá lốt đun sôi, cho thêm chút muối vào khuấy đều, chờ cho nước nguội bớt là có thể ngâm chân tay, nên thực hiện ngâm chân tay trong vòng 30 phút mỗi ngày.
Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội)