Rau sống giàu vitamin nhưng cẩn thận với bệnh sán lá

(khoahocdoisong.vn) - Rau sống được xem là nguồn rau tươi, giàu vitamin và không bị hao hụt vì không phải nấu chín. Người lớn, trẻ trưởng thành ưa thích món rau sống ăn kèm các loại bún, ăn các món trộn, món salat. Tuy nhiên, khi mua rau không rõ nguồn gốc, rửa không kỹ thì đây chính là nguồn gây bệnh giun, sán, đặc biệt sán lá gan lớn.

Xà lách cung cấp ít năng lượng, chứa nhiều dưỡng chất thực vật giúp tăng cường sức khỏe và phòng tránh bệnh tật. Vitamin K trong xà lách có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của xương, làm tăng mật độ xương bằng cách thúc đẩy hoạt động của tế bào tạo xương. Xà lách hỗ trợ não bộ, bảo vệ các nơ ron thần kinh khỏi bị tổn thương.

Còn rau diếp là nguồn cung cấp vitamin A và beta caroten dồi dào. Trong thành phần của rau diếp cũng có các chất chống oxy hóa. Vitamin A cần thiết để duy trì các cơ và da khỏe mạnh cũng như hỗ trợ thị lực. Trong rau diếp, vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh và loại bỏ các gốc tự do độc hại gây viêm. Rau mùi, rau ngổ, các loại rau thơm khác có tác dụng chống viêm rất tốt. Với giá trị dinh dưỡng tuyệt vời đó, lại không bị hao hụt vì không phải đun nấu nên ở nhà cũng như ngoài hàng quán, món rau sống dường như không thể thiếu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên khoa gan mật, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, thời gian qua đã có rất nhiều bệnh nhân đến khám sức khỏe định kỳ khi không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Một số bệnh nhân da xanh, thỉnh thoảng có đau mạn sườn phải, khi siêu âm tình cờ phát hiện tổn thương gan do sán lá gan. Kết quả tổng phân tích máu có công thức bạch cầu tăng cao, xét nghiệm máu tìm sán lá gan lớn theo phương pháp ELISA cho kết quả kháng thể IgG dương tính.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, xét nghiệm tìm sán lá gan bằng phản ứng ELISA tuy đơn giản nhưng cho kết quả chính xác bởi vì, khi sán xâm nhập nhu mô gan chúng tiết ra nhiều kháng nguyên nhất, 2 tuần sau bắt đầu xuất hiện kháng thể (IgG và IgE), nếu thực hiện phản ứng ELISA sẽ dương tính. Người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau nhút, rau cần, cải xoong...), ăn các đồ chưa nấu chín, uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan, tạo nên các ổ áp xe.

Vì vậy, mặc dù rau sống cung cấp nhiều vitamin nhưng nếu muốn ăn sống tốt nhất nên ăn rau thủy canh, rau trồng trên đất sạch, trong nhà lưới, được phun tưới tự động. Nếu là rau sống không rõ nguồn gốc thì  không nên ăn. Những người có thói quen ăn rau sống nên định kỳ tẩy giun sán 6 tháng 1 lần, hàng năm kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị chính xác các bệnh ký sinh trùng nói chung, sán lá gan lớn nói riêng.

Theo Đời sống
back to top