Rau nhiễm vi sinh vật gây ra không ít lo gại cho người dân – ảnh minh họa
Quan điểm cho rằng rau quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mới có nguy cơ gây hại cho sức khỏe là chưa đầy đủ; thực tế rau nhiễm vi sinh vật, nhiễm khuẩn, có trứng côn trùng, sâu bọ,… cũng chính là những loại rau mất an toàn cho người sử dụng.
Trả lời câu hỏi vì sao rau nhiễm vi sinh vật, PGS. TS Nguyễn Kim Vũ, Khoa Công nghệ Sinh học và Môi trường, Đại học Phương Đông, cho biết bên cạnh nguy cơ rau quả nhiễm sâu bệnh, côn trùng thì vi khuẩn, vi sinh vật cũng là mối đe dọa không nhỏ đối với chất lượng rau.
Đối với rau, củ, quả và các sản phẩm nông sản nói chung nguy cơ nhiễm vi sinh vật cao, bởi mật độ vi khuẩn, vi sinh vật trong đất, trong nước, trong không khí vốn đã rất cao, ví dụ trong không khí mật độ vi sinh vật ước tính là hàng nghìn con trên 1mm3.
Tuy nhiên, trong ngành thực phẩm chỉ quản lý một số chủng vi sinh vật gây bệnh. Ví dụ như khuẩn Ecoli luôn nằm trong tiêu chuẩn xét đánh giá sản phẩm thực phẩm, rau quả lưu hành trong tiêu dùng. Đối với Coliform chỉ được phép tối đa 10 khuẩn lạc/1g sản phẩm.
Thông thường, rau ăn được chia làm 4 loại: lá, quả, củ và hoa. Mỗi loại sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn khác nhau nên khi rửa cần phân loại để làm sạch. Trong đó, các loại rau dạng củ, được xếp vào loại ít nhiễm chất độc nhưng khả năng nhiễm vi sinh vật cũng tương đối cao do nằm dưới mặt đất. Tốt nhất đối với rau củ, nên rửa qua, sau đó gọt vỏ và rửa lại nước sạch một lần nữa để tránh nhiễm bẩn khi gọt vỏ.
Đối với rau ăn lá do nguy cơ chứa vi sinh vật như vi khuẩn E.Coli và Salmonella, trứng giun, sán, ký sinh trùng amip,… từ việc tưới trực tiếp lên lá bằng phân hoặc nước bẩn, khi mua về, nên nhặt sạch rau, ngâm qua nước và bắt đầu rửa từng lá, cọng. Nếu là các cành rau nhỏ như rau muống thì phải rửa làm nhiều lần và cuối cùng rửa từng mớ nhỏ bằng nắm tay dưới vòi nước chảy, và sau đó tốt nhất nên ngâm nước muối nhạt.
An Lê